Vùng đất cực Nam Trung Bộ này là thế, khắc nghiệt là thế. Tỉnh còn khó khăn, người lính cũng vất vả. Nhưng đó cũng là thử thách để LLVT Ninh Thuận luôn can trường, thực sự là chỗ dựa của nhân dân.
Đại tá Hoàng Ngọc Thái, Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh (thứ 4 từ trái sang)
nhận bằng khen tại Đại hội thi đua Quyết thắng Quân khu.
Lâu mới trở lại, thấy Bộ CHQS tỉnh thay đổi nhiều quá. Cơ ngơi, doanh trại từ Bộ chỉ huy đến các Ban CHQS các huyện, thành phố như khoác màu áo mới. Cách đây 15 năm, làm được cái nhà khách bên hông Bộ CHQS tỉnh bây giờ với số tiền 200 triệu đồng đã rất lớn. Vậy mà vài năm gần đây, các công trình thi nhau được xây mới hoặc chỉnh trang. Cùng với hoàn tất nhà làm việc khối cơ quan 4 phòng, nhà khách nội bộ ra đời, khang trang như khách sạn, lưỡng tiện với những ai đến làm việc. Trên cát trắng, 4 dãy nhà Đại đội 5 Trinh sát mọc lên xinh xắn. Phan Rang- Tháp Chàm, trụ sở Ban Chỉ huy rộng rãi, sáng màu vôi mới. Ninh Phước đang xây, Ninh Hải chuẩn bị sửa chữa, các đơn vị còn lại đều đã ổn định từ nhiều năm nay. Doanh trại xây mới đến đâu, màu xanh cỏ cây, rau tăng gia phủ tràn đến đó. Sắc màu tươi vui làm lòng người thêm phơi phới.
Lý giải vì sao gần đây nơi ăn ở, làm việc của bộ đội được đầu tư nhiều hơn trước, Đại tá Hoàng Ngọc Thái, Chỉ Huy trưởng Bộ CHQS tỉnh nói nguyên văn rằng: “Đó là nhờ chúng tôi được cấp trên thương. Tỉnh nghèo mà nuôi được
phong trào, nội bộ đoàn kết, trên dưới một lòng, nói ít làm nhiều, giữ được tiếng thơm”. Quả thật, giao ban Quân khu, ít thấy nhắc đến Ninh Thuận vi phạm này kia như một số nơi. Cán bộ ở đây cũng ít xáo trộn. Có chăng, nhiều đồng chí được Bộ Tư lệnh Quân khu đưa ra cọ xát ở các phòng, ban quan trọng của Quân khu sau đó tiếp tục về làm nòng cốt ở địa phương.
Hôm đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm, chúc mừng Bộ CHQS tỉnh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đã có những lời “gan ruột”: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn trân trọng và tin tưởng vào các đồng chí. LLVT tỉnh đã có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của địa phương; đồng thời góp phần xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh, đại diện các tỉnh phía Nam nhận cờ thi đua 5 năm (2009-2014) tại Đại hội Thi đua quyết thắng Quân khu lần thứ 15. Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất tự hào.” Nghe vậy, chúng tôi không bỏ qua cơ hội, hỏi về sự quan tâm của tỉnh đối với LLVT tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đức Thanh khẳng định: “Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm đầu tư
xây dựng nền quốc phòng toàn dân, LLVT vững mạnh. Với những công trình ngân sách Bộ Quốc phòng, tỉnh hỗ trợ thêm để mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Tỉnh tập trung nâng cấp, xây mới các đơn vị trực thuộc, nhỏ lẻ. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi năm tỉnh bỏ ra từ 4 đến 5 tỉ đồng làm các công trình phòng thủ. Tích cực trong hoạt động đối ngoại quốc phòng với hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia, nhất là hỗ trợ xây dựng doanh trại các đơn vị bạn. Tạo điều kiện tối đa để làm trường bắn Núi Đỏ; xây dựng được 40/65 nhà làm việc cho Ban CHQS xã, phường”. Những ngày sau đó ở Ninh Thuận, chúng tôi thấy đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đều có mặt trong các hoạt động của LLVT hướng tới kỷ niệm 70 năm Quân đội, lại liên tưởng đến màu áo xanh của lãnh đạo tỉnh suốt 4 ngày tại diễn tập PT-11. Những người lính Ninh Thuận thật hạnh phúc khi được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương như vậy.
Ở Ninh Thuận có điều lạ, đó là các cuộc thi liên quan đến quốc phòng đều được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH tỉnh. Thi tìm hiểu những mốc son lịch sử, giáo dục quốc phòng, dân quân tự vệ, dự bị
động viên…, mới nghe tưởng khô khan, vậy mà khi được sân khấu hóa đều thu hút lượng khán giả rất đông đảo. Thế mới biết, điều này đi sâu vào nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Không chỉ bồi dưỡng các chức sắc tôn giáo, mà các học viên Trường Trung cấp Phật học cũng đã được tiếp thu kiến thức quốc phòng, coi đây là phần thi bắt buộc để tốt nghiệp. Có lần chúng tôi đến Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh gặp Thượng tọa Thích Hạnh Thể đang đôn đốc các tăng ni, phật tử của mình ngày mai lên tỉnh bồi dưỡng về quốc phòng. Ông cũng chân thành mời bằng được các anh Tỉnh đội ở lại ăn bữa cơm với chùa để hàn huyên. Chứng kiến hình ảnh này, chúng tôi càng thêm yên lòng về gốc rễ sâu bền của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Bộ CHQS tỉnh và các Ban CHQS các địa phương đều “Chung sức xây dựng nông thôn mới” ở địa bàn điểm. Nơi nào cũng có công trình. Nhưng con đường Tình quân- dân ở Hộ Hải (Ninh Hải) đặc biệt hơn cả. Bởi đây là vùng Công giáo toàn tòng, vậy mà con đường đã nối liền ý Đảng, lòng dân. Nhân dân thêm tin yêu Đảng từ việc làm cụ thể
của anh Bộ đội Cụ Hồ. Con đường ở Ninh Hải đã được báo cáo điển hình tại sơ kết Hai năm Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới của Quân khu 5 như một cách đột phá. Hôm mới đây thôi, gặp lại anh Trương Quốc Công, Trưởng Ban Dân vận của Bộ CHQS tỉnh, chúng tôi nhắc đến những ngày anh đi cùng Quân khu và Bộ CHQS tỉnh xây giếng nước chống hạn cho bà con Phước Nam (Ninh Phước) hay làm Trạm xá Quân dân y kết hợp ở Phước Bình (Bác Ái), nhà đồng đội ở Ma Nới (Ninh Sơn)… Tình quân dân ở vùng đất này vẫn luôn mặn nồng, thủy chung như ngày nào.
Nhớ những lần hội thao, hội diễn, chúng tôi luôn cổ vũ Ninh Thuận. Vùng đất này xa xôi quá, thực lực không nhiều, muốn học hỏi cũng là điều khó. Nhưng các lần thi thành tích chưa cao như không bao giờ quật ngã được ý chí Ninh Thuận. Không ào ạt, “ăn sóng nói gió”, người Ninh Thuận thường khiêm nhường mà đằm sâu. Đại tá Trần Văn Quang, Phó Chính ủy; Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Chính trị BỘ CHQS tỉnh… là con người như vậy. Gần 20 năm nay, mỗi lần gặp các anh đưa quân ra đấu trường Quân khu, lại thương con đường dằng dặc 600 km mà các anh vất vả đi qua khi tuổi tác ngày càng lớn.
Nghe đâu sang năm, thế hệ đầy tâm huyết này sẽ “giã từ vũ khí”. Một chút bâng khâng, một chút hụt hẫng. Nhưng chúng tôi tin các thế hệ trẻ LLVT Ninh Thuận sẽ không khác những người đi trước. Vẫn là người lính can trường ở vùng đất hiếm mưa nhưng nhiều gió cát.
Hồng Vân