Đảng ta không ngừng hoàn thiện tư duy lý luận về văn hóa

Trải qua 85 năm lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với việc không ngừng bổ sung, phát triển tư duy lý luận về chính trị, kinh tế, xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc và sự phát triển của đất nước.

Trong tình thế đất nước đang phải đương đầu với ách thống trị, áp bức bóc lột vô cùng tàn ác, dã man của thực dân Pháp và phát xít Nhật, cuối tháng 2-1943, Đảng ta đã ban hành “Đề cương văn hóa Việt Nam” nhằm gây dựng một phong trào văn hóa tiến bộ, chống lại văn hóa phát xít phi nhân văn, phản động. Trong Đề cương này, Đảng đã xác định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”; “Đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hóa tiên phong”; đồng thời đề ra 3 nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới là: “Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa”. Đây được coi như Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng ta, tạo nền tảng lý luận cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa kháng chiến, kiến quốc những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội IV của Đảng đã khẳng định: “Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về khoa học-kỹ thuật, cách mạng về tư tưởng và văn hóa”; và: “Xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa”. Qua 10 năm cả nước xây dựng chế độ mới, dù cuộc sống bao cấp còn rất nhiều khó khăn và bị các thế lực thù địch điên cuồng chống phá, nhưng những giá trị đạo đức, niềm tin, lý tưởng, lẽ sống cao đẹp vẫn được phần lớn cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trân trọng, giữ gìn và phát huy. Có được kết quả này là khởi nguồn từ những phẩm chất văn hóa con người mới XHCN mà Đảng ta đã đề ra và bền bỉ, dày công xây dựng.

Từ khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, cùng với tư duy đổi mới toàn diện về lĩnh vực kinh tế, chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, Đảng ta cũng có nhiều nhận thức mới về lĩnh vực văn hóa. Chỉ sau hơn một năm đổi mới, tháng 11-1987, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 05 về văn hóa-văn nghệ trong cơ chế thị trường. Tiếp đó, từ năm 1989 đến 1993, Đảng ta đã ra một số chỉ thị quan trọng về đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học-nghệ thuật, công tác quản lý văn học-nghệ thuật và một số nhiệm vụ văn hóa-văn nghệ những năm trước mắt.

Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) tháng 7-1998 đã ra nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Sau khi khẳng định vai trò của văn hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc và tương lai đất nước, Đảng đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”; đồng thời nhấn mạnh: “Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp”. Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, phải chú trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Là thành quả đúc kết từ thực tiễn sau gần 70 năm lãnh đạo cách mạng và kế thừa những giá trị tư tưởng quý báu về văn hóa của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được ví như “Cương lĩnh văn hóa” của Đảng, của dân tộc ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế. Thực tiễn cho thấy, nghị quyết này ra đời đã đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của nhân dân, được xã hội nhiệt thành ủng hộ, đồng tâm thực hiện, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, củng cố và tăng cường tiềm lực và “sức mạnh mềm” cho quốc gia.

Tư duy về văn hóa của Đảng ta tiếp tục có sự phát triển khi Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) khẳng định: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa-nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước”. Như vậy, lần đầu tiên văn hóa đã trở thành một trong “ba chân kiềng” (cũng có thể là gọi là ba “trụ cột” quan trọng nhất) để tạo cơ sở, nền móng xây dựng và phát triển đất nước.

Kế thừa phát triển các di sản tư tưởng văn hóa trước đó, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 2011” đã nêu lên định hướng về văn hóa với nội hàm toàn diện, sâu sắc: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Trước yêu cầu đòi hỏi mới của sự nghiệp cách mạng, tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), Đảng đã thông qua và ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong nghị quyết này, cùng với việc khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”, lần đầu tiên Đảng ta đã nhấn mạnh quan điểm: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Việc Đảng ta luôn quan tâm đến xây dựng văn hóa thực chất là coi trọng và đề cao “sức mạnh mềm” của đất nước. Vì suy cho cùng, mọi sự phát triển đều xoay quanh và hướng tới sự phát triển và hoàn thiện của con người với tư cách là một nhân cách văn hóa hoàn chỉnh nhất. Do đó, bên cạnh đề ra các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm không ngừng nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, xây dựng hình ảnh văn hóa Việt Nam ngày càng có sức lan tỏa trên thế giới, Đảng ta đã có nhiều định hướng quan trọng để xây dựng nền tảng tinh thần xã hội lành mạnh.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, cùng với quá trình lãnh đạo cách mạng, trong mỗi bước đi lên của đất nước, mỗi sự phát triển về tư duy lý luận, Đảng ta đã có những bước tiên phong “khai phá”, nâng tầm nhận thức, tư duy về văn hóa. Đó là: Từ việc xác định văn hóa là một trong ba mặt trận mà người cộng sản phải quan tâm (Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943), một trong ba cuộc cách mạng phải tiến hành đồng thời (Đại hội IV), rồi nâng tầm “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội” (Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII), đến khẳng định văn hóa là một trong ba yếu tố then chốt quyết định sự phát triển toàn diện, bền vững của đất nước (Hội nghị Trung ương 10, khóa IX); chỉ rõ: “Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” (Cương lĩnh năm 2011) và mới đây là “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” (Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI).

Những tư duy, nhận thức văn hóa đó không chỉ khẳng định bản chất cách mạng của một đảng mác-xít chân chính, mà còn thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo để không ngừng hoàn thiện hệ thống lý luận khoa học của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lãnh tụ Lê-nin từng nói rằng: Một đảng tiên phong phải có một lý luận tiên phong dẫn đường. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Do đó, những quan điểm văn hóa tiến bộ của Đảng chính là kim chỉ nam chỉ đường dẫn lối để nhân dân ta xây dựng nền văn hóa với mục tiêu cao cả: “Tổ quốc ta mãi mãi là một quốc gia văn hiến, dân tộc ta là một dân tộc văn hóa, nền văn hóa nước ta không ngừng phát triển, xứng đáng với tầm vóc dân tộc ta trong lịch sử và trong thế giới hiện đại” như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đề ra.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân