Gắn bó với rừng
Có dịp được theo cán bộ giữ rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến (Công ty) băng qua những cánh rừng phòng hộ để trải nghiệm những vất vả, gian nan của những con người ngày đêm bảo vệ những cánh rừng nơi đây. Mùa này, rừng núi Phước Bình đẹp như bức tranh. Những tán lá của nhiều loài cây cùng đan kín tạo nên một màu xanh bạt ngàn…
Lực lượng Kiểm lâm Ninh Sơn bắt giữ gỗ khai thác trái phép tại vùng rừng giáp ranh giữa xã Ma Nới (Ninh Sơn)
và huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
So với những địa phương khác trong tỉnh, hoạt động giữ rừng của anh em Công ty vất vả hơn cả bởi không chỉ diện tích rừng phòng hộ trải rộng trên 24.400 ha, thuộc 4 xã Phước Bình, Phước Hòa, Phước Tiến và Phước Tân của huyện Bác Ái với trữ lượng lớn và nhiều loại gỗ quý có giá trị, mà bởi địa hình hiểm trở, núi cao, giao thông đi lại khó khăn; diện tích rừng phòng hộ nằm sâu, tiếp giáp với địa phận tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa là điểm “nóng” của tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Anh Nguyễn Xuân Viết, Trưởng phòng QLBVR Công ty cho biết: Nếu không bảo vệ chặt chẽ thì tài nguyên rừng sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt, nhiều loài gỗ quý cũng trở nên khan hiếm. Các đối tượng khai thác gỗ khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thì sẵn sàng chống trả quyết liệt. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, đã xảy ra hai vụ lâm tặc hành hung, gây trọng thương cán bộ quản lý và bảo vệ rừng.
Sau gần nửa ngày băng rừng, chúng tôi đến được khu vực vùng lõi của rừng Phước Bình, nơi còn lại những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi xanh tốt. Dù nằm sâu trong vùng rừng phòng hộ, địa hình cách trở nhưng những cây gỗ quý vẫn luôn là đối tượng để lâm tặc có thể đốn hạ bất kỳ lúc nào. Sự thật là những thân gỗ xù xì, với bộ rễ khổng lồ ở trước mắt chúng tôi cũng đã nhiều lần bị các đối tượng lâm tặc xâm hại. Bằng chứng là những vết cưa máy vẫn còn in trên những thân gỗ. Có điều trước sự bảo vệ nghiêm ngặt của cơ quan chức năng, chúng đã không thể đốn hạ.
Quyết tâm giữ rừng
Trạm Quản lý bảo vệ rừng Phước Hòa, có sự phối hợp tham gia của Tổ kiểm soát lâm sản lưu động. Ông Nguyễn Văn Tổng, Trưởng trạm Phước Hòa giới thiệu với chúng tôi những tang chứng, vật chứng thu được của các đối tượng lâm tặc. Đó là những chiếc xe máy “chuyên dụng” được độ, chế để chở các loại gỗ, như xe bò, máy cày, cưa tay, cưa máy… cùng nhiều loại gỗ quý đã xẻ hộp…
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, không chỉ có Tổ kiểm soát lâm sản lưu động tại Phước Hòa, trong năm 2014, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thành lập 3 Tổ kiểm soát lâm sản lưu động liên ngành được đóng chốt tại các điểm nóng và cửa rừng. Mỗi tổ 10 người gồm lực lượng các ngành: Kiểm lâm cơ động, đơn vị chủ rừng, lực lượng công an, quân đội. Với việc tăng cường lực lượng đủ mạnh, xử lý quyết liệt nhất là kiểm tra, thu giữ các loại xe máy độ, chế “chuyên dụng” đi vào rừng, chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trên địa bàn đã được ngăn chặn hiệu quả.
Để giữ bình yên cho những cánh rừng, cùng với việc tuần tra, canh gác, lực lượng kiểm lâm vẫn hàng ngày bám dân, bám rừng, vận động bà con chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng. Chính sự có mặt của các anh sẽ thêm niềm tin, sự quyết tâm bảo vệ màu xanh cho rừng, góp phần thực hiện thành công chiến lược bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 – 2020, nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng đến năm 2015 đạt trên 45% và đến năm 2020 là 50%, giảm thiểu tình trạng khô hạn trên địa bàn tỉnh.
Anh Tuấn