Phố biển: Rực rỡ một làng hoa

(NTO) Phố biển Phan Rang chang chang nắng mà trồng được hoa, không phải dăm ba bụi chơi cảnh mà trồng cả một làng. Ấy là làng hoa cúc vàng Mỹ Bình (một phần các khu phố 2, 5, 6 thuộc phường Mỹ Bình, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm).

Nở hoa trên cát

Làng hoa là cách gọi theo thói quen dân dã của bà con nông dân nơi đây, chứ “làng” ấy cũng là khu phố, thuộc thành phố hẳn hoi. “Làng” nằm cạnh con đường mang tên nữ tướng Bùi Thị Xuân. Từ đường 16 Tháng 4 (hướng về phía biển) rẽ trái đoạn qua khỏi trụ sở Khối cảnh sát (Công an tỉnh), đi chừng 200 mét thì sẽ thấy thấp thoáng sắc hoa vàng tươi trước mặt. Diện tích trồng hoa ở đây dao động theo từng thời điểm trong năm, nhiều nhất là vào cận Tết Nguyên đán với khoảng 30 ha, những tháng khác thì duy trì từ 15 – 25 ha. Nông dân trồng hoa luân canh với nhiều loại rau màu ngắn ngày khác như hành lá, rau quế, cải cúc (tần ô), ngò rí,… Để tránh tình trạng cung – cầu không cân bằng, người trồng hoa rải vụ, nhờ vậy, bất cứ thời điểm nào trong năm cũng có hoa cho thu hoạch.

Hoa Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Ảnh: V.M

Dưới một gốc nhãn to giữa bốn bề hoa cúc, chị Bùi Thị Lệ, nông dân đồng thời là chủ vựa mua bán hoa cúc vàng ở đây nhớ lại những ngày đầu tiên trồng hoa trên đất cát: Ngày trước, nông dân vùng này chủ yếu trồng rau màu thôi, thu nhập thấp lắm. Một số hộ cũng trồng hoa, nhưng là giống hoa cúc bị thoái hóa, vừa xấu vừa nhỏ, lời lãi chẳng bao nhiêu. Năm 2004, tôi lên Tp.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tìm mua giống cúc vàng hòe, đem về trồng thử. Lần đầu tiên nên rất hồi hộp, không biết nó có sống nổi với cái nóng Phan Rang không. Lần đó thiếu kinh nghiệm, mặc dù cây lên tốt, nhưng vì nhiều nhánh, nhiều nụ quá nên thời gian sinh trưởng kéo dài đến 4 tháng, bông hoa cũng nhỏ. Sau này, chúng tôi mới biết là phải tỉa bỏ bớt nụ nhánh, chỉ để lại những nụ chính cho bông nở to, rút ngắn thời gian mùa vụ xuống còn 3 – 3,5 tháng. Từ đó, ở làng hoa có thêm một “nghề” mới là “làm nụ” hoa cúc. Và cũng từ đó, nông dân trong vùng bắt đầu trồng hoa cúc vàng, rồi thành “làng” hoa.

Những cơn gió thổi từ biển mang vị mặn tràn vào ruộng hoa vàng nắng, quyện lại thành một mùi hương nồng lạ. Chốc chốc, những cuộc điện thoại công việc cắt ngang câu chuyện hoa hòe giữa chúng tôi. Rồi như sực nhớ ra điều gì, chị Lệ cười tủm tỉm: Cũng có mấy lần, các nhà vườn trên Đà Lạt xuống đây “tham quan” cách người Phan Rang trồng hoa. Họ ngạc nhiên lắm, Ninh Thuận nắng gió, đất cát, lại nằm sát biển thế này mà trồng được hoa, giống của xứ lạnh mới lạ chứ!

Rực rỡ một làng hoa.

Suốt 10 năm qua, chị Lệ đã cùng với nhiều “nhà thầu bông” khác mang giống từ Tp.Đà Lạt về cho nông dân địa phương trong vùng trồng, đồng thời thu mua và phân phối sản phẩm hoa tươi cho các tỉnh, thành khác.

Muôn nẻo hoa đi

Nhiều nhặn gì một làng hoa nhỏ giữa lòng thành phố, to tát gì giống cúc vàng hòe chỉ cao mấp mé đầu gối, thế mà ngạc nhiên sao, hoa cúc Phan Rang chẳng “thua chị kém em”, cũng vào Nam ra Bắc tất bật.

Chỉ tính riêng vựa hoa của cô Bùi Thị Lệ, mỗi ngày đã xuất bán các thị trường TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Phan Thiết, Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình,… với số lượng lên đến hàng ngàn cây.

Cúc vàng hòe tuy có phần kém cạnh so với các loại hoa khác nhưng cũng có những lợi thế riêng: thân ngắn nên khi cắm giữ cả chùm rễ giúp hoa tươi lâu, phù hợp các bình hoa cỡ nhỏ trên những bàn thờ ông địa, thần tài, ông táo,… Giá hoa chỉ vài nghìn đồng một cây cũng là một lợi thế cạnh tranh. Được biết, hiện đa số chủ vườn hoa ở Lâm Đồng đều trồng các loại cúc đại đóa vàng, cúc chi vàng, cúc chi trắng, cúc họa mi, cúc tím hoa cà, một số giống xuất xứ Đài Loan, Nhật Bản,… chứ ít ai trồng giống cúc vàng hòe này.

Hiện tại, giá hoa bán tại vườn từ 2.500 – 3.000 đồng/cây. Vào các dịp rằm, cuối tháng âm lịch và các ngày cận Tết, giá hoa tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/cây. Mỗi sào đất có thể trồng được nhiều nhất 20.000 cây, giá cây con là 100 đồng/cây. Trừ các chi phí phân thuốc, công chăm sóc, công tỉa nụ, hao hụt do cây con chết,… thì trung bình mỗi vụ thu hoạch, nông dân lãi trên dưới 20 triệu đồng/sào. Chính vì thế, nhiều gia đình nông dân Mỹ Bình nhờ hoa cúc vàng mà nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, cải thiện đời sống kinh tế. Để hỗ trợ người trồng hoa địa phương, cuối năm 2012, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai dự án Hoa cúc vàng, cho 7 hộ nông dân vay 175 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư vào sản xuất.

Hình ảnh những vườn hoa rợp vàng giữa lòng thành phố ngày càng được nhiều người biết đến. Thế nên, chuyện những cặp đôi đến đây chụp ảnh cưới không còn xa lạ với bà con Mỹ Bình. Những nhóm bạn phương xa cũng thường ghé thăm làng hoa, để được đắm say trong hương nồng hoa cúc, như một trải nghiệm “bất ngờ” ở phố biển Phan Rang. Nghiêng nghiêng vành nón lá, mấy cô thôn nữ nở nụ cười tươi tắn rạng ngời, bên sắc hoa cúc vàng rực rỡ dưới nắng. Mùa xuân đang đến rồi!