1.Phát biểu tại cuộc họp chung với Thủ tướng Anh David Cameron (Đa-vít Ca-me-rôn) trong chuyến thăm London (Luân Đôn) hôm ngày 7-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-kên) đã ca ngợi Anh là một đồng minh quan trọng giúp Liên minh châu Âu (EU) cải cách và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do (FTA)-bao gồm cả FTA với Mỹ. Bà Merkel cũng tái khẳng định giúp ông Cameron giữ Anh ở lại EU và bày tỏ sự đồng tình với Thủ tướng Anh rằng, cần cải cách một số quy định về phúc lợi trả cho các người nhập cư từ các nước EU, nhưng nhấn mạnh có thể đạt được những cải cách đó mà không cần phải sửa đổi các hiệp định nền tảng của Khối liên minh gồm 28 quốc gia thành viên này.
Về phần mình, Thủ tướng Anh đã đặt ra những kế hoạch rất rõ ràng về vấn đề nhập cư và phúc lợi. Kế hoạch này không phá vỡ nguyên tắc di chuyển tự do của EU, bởi nhiều công dân Anh cũng được hưởng lợi từ việc được tự do di chuyển trong EU để cư trú và làm việc.
Mối quan hệ giữa Anh và EU đã trải qua nhiều sóng gió trong năm qua khi những đề xuất cải cách mà Anh đưa ra nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi phúc lợi xã hội của nước này động chạm tới một trong những nguyên tắc cơ bản của EU (Cho phép công dân các nước thành viên được tự do di chuyển và tìm việc) bị phản đối.
Thủ tướng Anh cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh vào năm 2017 nếu như ông giành được chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm nay.
2.Tại cuộc họp Chính phủ đầu tiên trong năm 2015, ngày 6-1, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (Pắc Cưn Hê) hoan nghênh việc lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Un) bày tỏ thiện chí về đối thoại và giao lưu liên Triều. Tổng thống Hàn Quốc hy vọng, Bình Nhưỡng sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Seoul (Xơ-un) và hợp tác hướng tới ổn định, hòa bình và chuẩn bị thống nhất bán đảo Triều Tiên. Bà Park Geun-hye nhấn mạnh, vào năm 2015 đánh dấu 70 năm hai miền bị chia cắt, do vậy, Chính phủ Hàn Quốc cam kết nỗ lực xoa dịu nỗi đau chia cắt, xúc tiến các dự án cơ bản chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới của bán đảo Triều Tiên thống nhất. Cùng ngày, Chính phủ Hàn Quốc thông báo nối lại viện trợ cho CHDCND Triều Tiên thông qua các Tổ chức dân sự sau 5 năm gián đoạn.
Trong một diễn biến khác, trái với bầu không khí hòa dịu giữa 2 miền Triều Tiên, căng thẳng lại leo thang giữa Triều Tiên với Mỹ, sau khi Washington (Oa-sinh-tơn) áp đặt bổ sung trừng phạt Bình Nhưỡng về vụ tấn công mạng gây thiệt hại hàng tỷ USD cho Hãng phim Sony Pictures (Mỹ). Washington cáo buộc Triều Tiên là thủ phạm và coi đó là hành vi đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và kinh tế Mỹ. Còn Bình Nhưỡng, một lần nữa lên án thái độ thù địch dẫn tới hành động đơn phương và dai dẳng của Mỹ nhằm trừng phạt Triều Tiên.
3.Vụ xả súng xảy ra hôm 7-1 tại Trụ sở Tạp chí Charlie Hebdo ở Pháp làm 12 người thiệt mạng không chỉ khiến nước Pháp bàng hoàng, mà còn khiến cả thế giới chấn động. Hội đồng Bảo an LHQ ra tuyên bố cực lực lên án vụ tấn công khủng bố man rợ và hèn hạ tại Thủ đô Paris của Pháp nhằm vào Tòa báo Charlie Hebdo. Ông Cristian Barros Melet, Chủ tịch luân phiên HĐBA-LHQ cho biết: “Các thành viên HĐBA cực lực lên án hành vi khủng bố không thể dung thứ nhằm vào các nhà báo và một tờ báo”. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (Ban Ki Mun) đã gọi vụ tấn công này là một tội ác khủng khiếp, một hành vi máu lạnh và không thể biện minh.
Tổng thống Mỹ cũng lên án vụ khủng bố đẫm máu tại Pháp và đề nghị được giúp đỡ đồng minh của mình tại châu Âu. Nhiều nhà lãnh đạo của châu Âu như Thủ tướng Ý Matteo Renzi (Ma-tê-ô Rên-si), Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Na-rên-đờ-ra Mô-đi) cũng đã dùng những ngôn từ lên án mạnh mẽ vụ tấn công man rợ tại Pháp.
Không chỉ có nhà lãnh đạo, sự đau buồn và phẫn nộ cũng là tâm trạng của nhiều người dân ở nhiều nước châu Âu. Tại Anh, Tây Ban Nha, Ý... nhiều người đã xuống đường cầu nguyện cho những người vô tội đã thiệt mạng trong vụ xả súng tại Pháp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve xác nhận có 3 tay súng liên quan tới vụ tấn công đẫm máu này. Sau vụ xả súng, những kẻ tấn công đã tẩu thoát trên một chiếc ô-tô đợi sẵn. Một trong 3 nghi can đã ra đầu thú trước cảnh sát.
Nước Pháp chưa hết bàng hoàng thì ngày hôm sau (8-1) lại xảy ra thêm một vụ tấn công Tàu điện ngầm ở phía Nam Thủ đô Paris đã khiến 2 cảnh sát bị thương.
P.V