Cảnh giác với hải sản lạ!

Gần đây, báo chí lại tiếp tục thông tin về một số cái chết oan uổng mà nguyên nhân là do ăn phải loài ốc biển lạ giống như trường hợp đã xảy ra tại thôn Lạc Tân 2 (Phước Diêm, Thuận Nam) vào giữa tháng 12/2014 vừa qua, làm chết 1 trẻ em và 3 người khác phải nhập viện điều trị.

Đáng nói là các trường hợp ăn ốc lạ bị ngộ độc dẫn đến tử vong đều là dân biển chuyên nghiệp. Theo kết quả phân tích của Viện Hải dương học Nha Trang thì loài “ốc lạ” có tên “nôm na” là “Ốc bùn răng cưa”, còn tên tiếng Anh là Pimpled Nassa. Loài ốc này có chứa độc tố tetrodotoxin và theo thông tin của các nhà chuyên môn chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ làm chết người…

Ốc lạ có độc tính gây chết người tại thôn Lạc Tân 2, xã Phước Diêm. Ảnh: Văn Nỷ

Thực tế trong cuộc sống cũng đã xảy ra không ít trường hợp bị ngộ độc thực phẩm từ hải sản như cá nóc, ốc biển lạ đến động, thực vật như nấm độc… mà hậu quả mang lại có khi đánh đổi cả tính mạng.

Đối với tỉnh ta, sau các thông tin ngộ độc do hải sản lạ, thử tìm hiểu tại một số chợ cá đầu mối và bán trôi nổi tại một số điểm trên địa bàn thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, kết quả là đa phần người dân thiếu thông tin về ngộ độc thực phẩm, cả việc chết người do ăn phải loài ốc độc như đã nêu trên. Người bán cũng vậy, bên cạnh sò và các loài ốc khi hỏi tên gọi thì hầu hết người bán cũng mù mờ và chỉ nhìn hình dạng để tự… đặt tên. Trong số đó thật khó đoán biết loài nào là “an toàn thực phẩm”, loài nào không. Điều đáng quan tâm là người mua cũng rất… “mạnh dạn” tiêu thụ các loài sò, ốc với minh chứng cụ thể là người bán đều bán hết rất nhanh. Về nguồn gốc thì hoặc là lặn bắt, hoặc khai thác bằng giã cào… Và không chỉ riêng trong tỉnh mà người bán còn mua từ các tỉnh lân cận để cung cấp cho nhu cầu thị trường… Thực tế này đã đặt ra vấn đề là làm sao bảo đảm an toàn cho người tiêu thụ?. Có lẽ cơ quan chức năng cũng đành “bó tay, thúc thủ” vì không sao biết được nếu hậu quả chưa xảy ra. Một số nhà chuyên môn đã có lời khuyên rằng: Có khi loại hải sản mùa này ăn rất ngon, bổ dưỡng nhưng mùa khác thì lại bị ngộ độc nếu ăn; hoặc cũng một loài sò, ốc nhưng ở vùng biển này thì dùng rất bổ, ngược lại ở những vùng bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp chẳng hạn thì coi chừng ăn vào ngon đâu chẳng thấy nhưng đường đến bệnh viện là hiện rõ trước mắt!. Vậy nên, chỉ có người tiêu dùng là tự quyết định bằng kiến thức “nội trợ” và “tinh thần” cảnh giác trước những loài hải sản lạ…

Hóa ra, đâu phải cái gì lạ cũng ngon mà có khi dẫn đến hậu quả nặng nề như ăn “loài ốc lạ” kia vậy.