Trường TH Xóm Bằng: Kinh nghiệm duy trì tốt sĩ số học sinh

(NTO) Việc duy trì sĩ số, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học đang là bài toán khó với đa số các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, đặc biệt là với những trường có đông học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ở các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Trường TH Xóm Bằng, đóng trên địa bàn thôn Xóm Bằng- một thôn đặc biệt khó khăn của xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc với gần 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Raglai cũng gặp phải những khó khăn chung, nhưng nhà trường đã duy trì tốt sĩ số, trong 4 năm liền không có học sinh bỏ học.

Thầy giáo Đinh Thanh Binh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những năm trước đây, tình trạng học sinh nghỉ học xảy ra khá phổ biến. Cũng như các đơn vị khác, nhà trường đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp hiệu quả nhất giúp nhà trường không có học sinh bỏ học như hiện nay chính là: nâng cao nhận thức của cả phụ huynh và học sinh về việc học.

 
Học sinh Trường TH Xóm Bằng được truyền thông nâng cao nhận thức về Quyền trẻ em.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức là việc làm không có gì xa lạ khi vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Nhưng cách tuyên truyền của Trường TH Xóm Bằng khá đặc biệt, đó là giúp học sinh nhận biết được quyền lợi được học tập của mình thông qua các hoạt động giáo dục truyền thông về Quyền trẻ em. Thật không có gì bất ngờ khi đa số học sinh của trường từ lớp 1 đến lớp 5 đều nắm rõ 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em theo Công ước Quốc tế, bởi vì các em đã có nhiều giờ học ngoại khóa về vấn đề này. Ngoài ra, trong mỗi lớp học, ở ngay cầu thang lên xuống, nhà trường đều có hình truyền thông minh họa rất sinh động về các nhóm quyền của các em. Hiểu rõ về những quyền lợi của mình, trẻ em Xóm Bằng đã tích cực cùng thầy cô vận động cha mẹ để được đến trường. Các em cũng luôn được nhà trường tạo điều kiện để bày tỏ kiến nghị, mong muốn của mình nhằm cải thiện môi trường học tập và cuộc sống ngày càng tốt hơn thông qua hòm thư góp ý, các diễn đàn trẻ em hoặc trao đổi trực tiếp với thầy cô giáo. Ngoài quyền lợi “được đi học” mà các em cùng nhà trường thuyết phục phụ huynh thực hiện, thì những quyền lợi khác cũng được nhà trường và chính quyền địa phương từng bước đáp ứng. Điển hình là kiến nghị: thầy cô không hút thuốc lá trong khu vực trường và mong muốn có khu vui chơi trong khuôn viên nhà trường đến nay đã thành hiện thực.

Thầy giáo Đinh Thanh Bình cho biết thêm, mỗi giáo viên của trường đều giữ liên hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh. Mỗi học kỳ, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi đối thoại với phụ huynh, để qua đó nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng cũng như hiểu rõ những khó khăn của họ để cùng tìm cách tháo gỡ. Thông qua các buổi đối thoại, phụ huynh cũng được nắm rõ thông tin, tình hình hoạt động của nhà trường. Thông cảm với những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, nhiều phụ huynh đã tự nguyện đóng góp ngày công, vật liệu cùng giáo viên xây dựng nhà ăn và các công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, học tập của học sinh. Các buổi truyền thông về quyền trẻ em có phụ huynh tham gia ngày càng đông hơn và mỗi người đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực để người dân Xóm Bằng không còn ai bắt con em mình phải nghỉ học.

Với cách làm của Trường TH Xóm Bằng, hầu như mọi khó khăn dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học như: kinh tế khó khăn, không coi trọng việc học, học yếu… gần như đều đã được tháo gỡ. Bởi thực tế cho thấy, khi đã có nhận thức đúng đắn và quyết tâm cao thì mọi khó khăn trở thành động lực cho học sinh không ngừng cố gắng.