Trong câu chuyện, nhiều người đều có nhìn nhận chung về sự phát triển đáng kể của tỉnh nhà, đặc biệt là về du lịch với nhiều danh thắng được đầu tư khá tốt để phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách như Vịnh Vĩnh Hy, các Tháp Chăm, một số Chùa và cả con đường đầy “khám phá” ven biển đã và đang chuẩn bị hoàn thành toàn tuyến. Câu chuyện đang hào hứng, bỗng một anh bạn dân TP.Hồ Chí Minh cắt ngang: - Ông là dân “thổ địa” ở đây, vậy cho tôi hỏi tên thành phố là Phan Rang hay Tháp Chàm vì thường tôi hay nghe gọi là thành phố Phan Rang?.
Tháp Pô Klongirai trong ngày hội Ka té. Ảnh: Nguyễn Văn Bửu
Một chị khác tuy có nhiều năm sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh nhưng “gốc gác” ở Ninh Phước nên cũng “có phần” am hiểu nên nói: - Là thành phố Phan Rang “trừ” (dấu ngang) Tháp Chàm ông ơi, nhưng gọi tắt là Phan Rang cũng được!... Đến đây, chủ đề câu chuyện đã chuyển hướng sang địa danh với “mặt trái” của hạ tầng du lịch. Đầu tiên là môi trường, tuy “cái nắng, cái gió” là tiềm năng riêng có của Ninh Thuận nhưng... nhiều cát, bụi quá nên du khách thường bị “bét mắt” nếu không “phòng vệ” kỹ. Kế đến là vệ sinh môi trường, nhất là tại các làng nghề cũng như bên ngoài tường rào các khu di tích với cảm nhận chung là còn quá nhiều rác, bao bị ni lông “bay bay” theo gió tấp cả vào mặt người đi đường, du khách gây mất thiện cảm. Tất nhiên “lỗi” xả rác có cả thói quen xấu của du khách. Ai đời thùng rác thì “đói” trong khi xung quanh bên ngoài lại toàn bao bị, rác thải đủ loại. Một anh bạn phân bua: - Đâu phải du khách nào cũng đều lịch sự, văn hóa cao hết đâu. Thôi cũng nên thông cảm, thói quen khó bỏ ấy mà!. Cũng chị bạn gốc Ninh Phước phàn nàn: - Đầu đường Minh Mạng vào ga Tháp Chàm hay trên đường 21 Tháng 8, đoạn từ đường sắt đến ngã ba phi trường rẽ vào khu di tích Tháp Pô Klong Garai nay sao toàn lỗ hang, với nhiều “ổ voi” sâu hoắm tạo nên những cái bẫy chết người đối với người đi đường và cả du khách cũng vậy. Đó là chưa nói nước thải đổ ra, nhất là đoạn trước Chi cục Bảo vệ thực vật chảy quanh năm... Mấy ông có thể xem là việc nhỏ, thấy riết rồi thành quen nhưng đối với du khách lại khác. Hình ảnh như vậy làm mất đi vẻ đẹp chung mà tỉnh mình đã và đang xây dựng!.
Nghe đến đây tôi giật mình, hóa ra ngày nào cũng gặp nên riết rồi thành quen. Chỉ có người “ngoài cuộc” mới nhận xét thấu đáo như vậy-Tôi nghĩ. Một anh bạn từ đầu câu chuyện đến giờ rất “kiệm lời”, nêu nhận xét: - Theo tôi đầu tiên là trách nhiệm của phường sở tại vì đường hư, nước chảy... lãnh đạo địa phương biết hết. Nhưng biết thì cũng nên khắc phục, lấp vài “ổ gà”, “ổ voi” thì có tốn kém gì cho cam, thậm chí là vận động vài doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp. Có vậy trước hết là tạo nên “bộ mặt” sạch, đẹp cả với nhân dân địa phương và du khách, nhất là nơi có ga Tháp Chàm vốn tập trung nhiều khách đi tàu hàng ngày. Đừng lúc nào cũng ỷ lại, dựa vào cấp trên hay ngành chức năng để rồi chỉ có báo cáo là xong trách nhiệm. Kế đến cấp cao hơn là lãnh đạo Thành phố cũng khá... “quan liêu”. Hiện trạng xảy ra nhiều năm nhưng lại không có chỉ đạo khắc phục... Nghe đến đây chị bạn kia chẳng biết nói chơi hay thật: - Tôi gọi tên Thành phố là Phan Rang “trừ” Tháp Chàm là có ý đó nghen!.
Ngẫm lại thấy cũng thấm thía. Không biết khi đọc câu chuyện này quý lãnh đạo kia nghĩ sao, chứ riêng tôi lại nghĩ: Đừng cho rằng những việc nêu trên là chuyện nhỏ rồi bỏ qua. Tuy không “cầu toàn” nhưng thiết nghĩ, muốn làm nên “việc lớn” cũng cần bắt đầu từ những chuyện “tưởng nhỏ” như đã nêu. Hay nói một cách “bình dân”: Thấy vậy mà không phải vậy…đâu!.
HH