Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án

Ngày 30/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt Tòa án nhân dân tối cao về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành tòa án trong năm 2014.

Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Ban Nội chính, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam….

 

Toàn cảnh buổi làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lãnh đạo chủ chốt
TAND tối cao. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Báo cáo của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao cho thấy, trong năm 2014, các tòa án đã giải quyết, xét xử hơn 385 nghìn vụ án các loại (tăng hơn 20 nghìn vụ án so với năm 2013)… Chất lượng các giải quyết các, xét xử vụ án tiếp tục được đảm bảo và có tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án giảm so với yêu cầu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội. Việc xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội, hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị báo. Đáng chú ý, các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về tham nhũng đều được xử lý nghiêm minh, tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước, việc trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung cơ bản đúng căn cứ, được Viện kiểm sát chấp nhận đạt 90%; việc xem xét, giải quyết các trường hợp có đơn kêu oan được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 69 của Quốc hội...

Trong năm 2015, ngành Tòa án xác định các nhiệm vụ trọng tâm tập trung vào các nội dung sau: Tiếp tục triển khai Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, bảo đảm các phán quyết của tòa án phải đúng pháp luật, bảo đảm công lý, bảo vệ quyền cong người, công dân, đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa. Khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án qúa thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của tòa án, phấn đấu không để xảy ra việc oan sai, bỏ lọt tội phạm, chú trọng việc triển khai áp dụng án lệ. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán theo tinh thần Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư với phương châm gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân…

Tại buổi làm việc, các ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo của TAND tối cao. Trong đó, tập trung làm rõ những kết quả cũng như những hạn chế, tồn tại trong công tác của ngành Tòa án năm 2014như: chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đạt yêu cầu; số vụ án, quyết định bị hủy sửa còn xảy ra, tiến độ giải quyết bồi thường còn chậm ; tổ chức bộ máy, kiện toàn chức danh thẩm phán còn thiếu...Trên cơ sở đó, kiến nghị cần xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục kịp thời, nhằm nâng cao chất lượng công tác tòa án trong thời gian tới.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao cũng đã làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm. Theo đồng chí Trương Hòa Bình, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ đạt gần 60% không phải là thấp, thực tế trong năm qua ngành tòa án đã rất nỗ lực trong việc giải quyết, song do số lượng án còn tồn đọng từ nhiều năm trước. Trong khi đó, hiện nay TAND tối cao còn thiếu 70 Thẩm phán so với chỉ tiêu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ. Đây là một thực tế làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch công tác của TAND tối cao.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và biểu dương thành tích, kết quả đạt được trong năm qua của TAND các cấp với những chuyển biến tích cực, cơ bản bám sát, hoàn thành các các nhiệm vụ,chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội khóa XIII đề ra, đảm bảo chất lượng; khắc phục được nhiều hạn chế của năm trước.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, bên cạnh những thành tích đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành Tòa án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số chỉ tiêu Quốc hội chưa đạt, vẫn còn một số vụ án quá hạn do do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Tình trạng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành, nhất là đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật chưa được khắc phục triệt để; việc thực hiện một số nhiệm vụ về cải cách tư pháp đối với một số công việc cụ thể còn chậm so với yêu cầu, “Tránh để tình trạng oan sai cần tập trung xử lý, ngăn chặn bỏ sót tội phạm, thấy sai dám sửa là tốt”, Chủ tịch nước lưu ý.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản nêu trên; đồng thời, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị TAND tối cao làm tốt việc chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tinh thần, trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, nhât là đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỷ luật công vụ. Tăng cường công tác giám đốc - kiểm tra, kịp thời phát hiện để uốn nắn, rút kinh nghiệm về những sai sót trong hoạt động xét xử. Chú trọng công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; phát triển án lệ.

Chủ tịch nước yêu cầu ngành Tòa án cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Kết luận số 92, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị. Tiếp tục triển khai Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức TAND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Trong quá trình cụ thể hóa Hiến pháp 2013, cần bảo đảm sự thống nhất về nhận thức khi thể chế hóa các quy định của Hiến pháp và các quan điểm về cải cách tư pháp trong các luật tố tụng tư pháp, đặc biệt là các vấn đề về quyền tư pháp.

Về công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch nước đề nghị TAND tối cao tiếp tục rà soát và triển khai đúng tiến độ, có chất lượng các luật, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật đã được giao chủ trì cũng như phối hợp xây dựng, sửa đổi bổ sung; đặc biệt là đối với Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính,…/.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam