Ngày 28-12 vừa qua, tỉnh ta phối hợp với Trung tâm Tư vấn-Nghiên cứu phát triển miền Trung tổ chức Hội thảo: Định hướng phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Có thể nói đây là hội thảo quan trọng không những quy tụ được sự tham dự của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực mà còn qua đó tiếp nhận các ý kiến đóng góp thẳng thắn, có ý nghĩa thực tiễn để tỉnh ta “nhận diện” rõ hơn từ tiềm năng, thế mạnh… đến những khó khăn, hạn chế và tham vấn của nhiều đại biểu tham dự hội thảo về giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn” hay “nút thắt” nhằm phát triển nhanh và bền vững.
Các chuyên gia tham dự Hội thảo Định hướng phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận
đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ảnh: Văn Miên
Nhiều ý kiến đều cho rằng Ninh Thuận là tỉnh nhỏ trong khu vực cả về quy mô dân số lẫn quy mô kinh tế nhưng đã “đột phá”, đi tiên phong trong việc thuê tư vấn nước ngoài Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội để trình Chính phủ phê duyệt, làm “cẩm nang” để có những “bước đi” vững chắc trong từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, từ mong muốn, “khát vọng” đến hiện thực vẫn rất cần sự nỗ lực rất lớn cả việc phát huy vị thế đến vượt qua những cản ngại, nhất là về “nội tại” trên chặng đường đưa tỉnh nhà phát triển hòa vào sự phát triển chung của các tỉnh trong khu vực và cả nước… Vậy hiện thực đó là gì?.
Đầu tiên cần xác định, Ninh Thuận vẫn là một tỉnh nhỏ, một số ngành kinh tế chủ lực có phát triển nhưng chưa vững chắc. Chất lượng sản phẩm và môi trường đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài cho tăng trưởng. Đó là chưa đề cập đến sự cạnh tranh khá lớn của các địa phương trong trục “tứ giác” như Khánh Hòa, Bình Thuận vốn có nhiều lợi thế về địa kinh tế và năng lực cạnh tranh cao. Mặt khác, các lợi thế của tỉnh hiện chủ yếu còn dưới dạng tiềm năng. Chỉ nói riêng về du lịch, mặc dù được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp và nhiều quần thể di tích nổi tiếng nhưng đến nay các tiềm năng vẫn còn ở dạng “nguyên thô”, chưa có điều kiện để phát triển thành kinh tế du lịch. Thực tế cũng cần được nhìn nhận là chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng đúng, đủ cho nhu cầu phát triển từng ngành, từng lĩnh vực…
Nhận diện khó khăn để vượt qua, biến những bất lợi thành cơ hội phát triển… đã được nhiều đại biểu quan tâm “hiến kế” cho Ninh Thuận với những giải pháp khả thi như về định hướng phát triển chung tỉnh cần định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ cơ sở “nền” là “3 trụ cột” và “6 nhóm ngành phụ trợ” để xác định chặng đường trước mắt giai đoạn 2016-2020 cần ưu tiên cho nhóm ngành nào để tập trung đầu tư cũng như chọn cho được “con Sếu đầu đàn” để tạo sức bật trong thu hút đầu tư. Tiếp đến là đẩy mạnh cải cách về thể chế, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh… Đồng thời cần điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với định hướng chung của cả nước và của Vùng duyên hải miền Trung… Tuy nhiên, vấn đề quan trọng bậc nhất tỉnh cần tập trung đó là làm thế nào để tạo ra sức hấp dẫn đầu tư và liên kết phát triển với bên ngoài. Điều này theo các chuyên gia, đó chính là giải pháp quan trọng hàng đầu để tăng nhanh quy mô kinh tế của tỉnh và qua đó sẽ tăng vượt trội sức hấp dẫn nội tại của tỉnh đối với các nguồn lực từ bên ngoài. Đây còn được xem là “chìa khóa” để “mở” cánh cửa phát triển theo logic “đột phá mạnh, lan tỏa nhanh để tiến vượt”.
Hy vọng rằng sau Hội thảo quan trọng này tỉnh ta sẽ có nhiều chuyển động hiệu quả trên hành trình biến “khát vọng” thành hiện thực phát triển.
Tuấn Dũng