Lấy ý kiến nhân dân về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) từ tháng 1/2015

Sáng 23/12, tiếp tục phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và dự thảo Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Cần phân biệt hình thức sở hữu và chế độ sở hữu

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Về hình thức sở hữu, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu là: (1) sở hữu nhà nước; (2) sở hữu tập thể; (3) sở hữu tư nhân; (4) sở hữu chung; (5) sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; (6) sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Dự thảo Bộ luật quy định hai phương án về hình thức sở hữu.

Phương án 1: Hình thức sở hữu trong Bộ luật Dân sự bao gồm, sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án này dựa vào các căn cứ Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận các hình thức sở hữu ở nước ta tại các Điều 32, 51 và 53, trong đó có sở hữu toàn dân với tư cách là một hình thức sở hữu độc lập.

Phương án 2: Hình thức sở hữu trong Bộ luật Dân sự bao gồm, sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó, sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần phân tích rõ lý lẽ của từng phương án để nhân dân lựa chọn; đồng thời cần rõ ràng giữa hình thức sở hữu và chế độ sở hữu. “Chọn phương án sở hữu toàn dân và sở hữu chung, thực ra là sở hữu chung, cần phải giải thích thêm” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thống nhất với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, 6 hình thức sở hữu được ban soạn thảo gom lại như phương án Chính phủ trình dường như có lẫn lộn giữa hình thức sở hữu và chế độ sở hữu. Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm rõ vấn đề này và đề xuất có 3 hình thức sở hữu là: sở hữu Nhà nước, sở hữu chung (có thể bao gồm cả sở hữu tập thể) và sở hữu tư nhân. Bởi cho rằng, việc quy định sở hữu riêng không rõ, cần có sự tiếp thu các quy định pháp luật hiện hành để phù hợp với pháp luật quốc tế.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận
phiên thảo luận sáng 23/12. (Ảnh: vov.vn)

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, nên cân nhắc về sở hữu, phân biệt chế độ sở hữu và hình thức sở hữu như thế nào, đang có sự lẫn lộn giữa hình thức sở hữu và chế độ sở hữu. Việc quy định “sở hữu riêng” sẽ nổi bật được tuyên bố của nhà nước chúng ta về vấn đề bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân. Nhấn mạnh Điều 32 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nội dung này cần phải thể hiện được định hướng và bản chất của nhà nước ta.

Việc lấy ý kiến nhân dân phải thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí

Theo Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nội dung lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đặc biệt về các vấn đề trọng tâm do Chính phủ xác định, tập trung lấy ý kiến nhân dân 10 vấn đề gồm: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; thời hiệu và thời hiệu về thừa kế; thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; hình thức sở hữu; lỗi trong trách nhiệm dân sự; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi.

Đối tượng lấy ý kiến: Các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 15/1/2015 và kết thúc vào ngày 31/3/2015.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, nên cân nhắc trên các tiêu chí về nội dung có sửa đổi, bổ sung lớn so với Bộ luật Dân sư hiện hành; những nội dung trong quá trình soạn thảo, thẩm tra còn có ý kiến khác nhau; những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, cho ý kiến; những nội dung cơ bản, cốt lõi của Bộ luật Dân sự. Đồng thời, các nội dung tập trung lấy ý kiến không nên liệt kê theo điều mà có thể theo nhóm vấn đề để có tính hệ thống, liên kết và bảo đảm khái quát được những nội dung trọng tâm, cơ bản của dự thảo Bộ luật.

“Đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể đối với các ngành, các cấp, các địa phương để bảo đảm việc lấy ý kiến nhân dân thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí; đặc biệt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông qua các hình thức điện tử”, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Đề xuất của Chính phủ lấy ý kiến nhân dân dự kiến là 2,5 tháng, song Ủy ban Pháp luật Quốc hội lại nghiêng về phương án 3 tháng, vấn đề này cần nhất quán. Tuy nhiên, theo ông Giàu, nên tổ chức lấy ý kiến trong 3 tháng, bởi thời gian này trùng với dịp nghỉ Tết âm lịch, nên khó mang lại hiệu quả cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề xuất nên bổ sung việc lấy ý kiến nhân dân về các thuật ngữ hành vi pháp lý dân sự như: “vật quyền và trái quyền”… Đây là vấn đề lớn, đã được đưa ra bàn thảo nhiều, cần xin ý kiến nhân dân. Mặt khác, theo ông Hiện, trong khi kinh phí khó khăn nên tổ chức hợp lý, tránh hình thức, tổ chức quá nhiều hội thảo, tọa đàm… gây lãng phí.

Nhấn mạnh việc lấy ý kiến nhân dân là vấn đề quan trọng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng, nội dung nên tập trung vào những vấn đề gần gũi, trọng tâm với nhân dân thì nhân dân tham gia sẽ có kết quả cao, hiệu quả nhất.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: “Việc lấy ý kiến nhân dân phải được chắt lọc, khách quan. Sau khi kết thúc lấy ý kiến, nếu các tổ chức, người dân tiếp tục đóng góp ý kiến thì phải tiếp tục tổng hợp”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề xuất có thể lấy ý kiến nhân dân sớm hơn và trong vòng 3 tháng từ 5/1 đến 5/4/2015, vẫn bảo đảm tiến độ chỉnh lý, soạn thảo Dự án.

Đề xuất này được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chấp thuận. Sau ngày 5/4/2015, các ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn được tiếp tục gửi về cho cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp, cơ quan này có nhiệm vụ tập hợp, tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu cho đến khi dự thảo được thông qua

Về tổ chức thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nên có 3 đầu mối, thứ nhất là Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ở địa phương giao cho UBND làm đầu mối. Đầu mối thứ hai là Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tập hợp tất cả các ý kiến của các tổ chức thành viên. Đầu mối thứ ba là Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Cũng trong sáng nay, UBTVQH đã thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2015 của các cơ quan của Quốc hội.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam