Là huyện miền núi có trên 95% dân số đồng bào dân tộc Raglai, cuộc sống còn khó khăn, Bác Ái xác định huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch tập trung lồng ghép các nguồn vốn thực hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa.
Được sự hỗ trợ của Nhà nước, Nông dân xã Phước Hòa (Bác Ái) trồng bắp lai cho thu nhập cao,
tạo điều kiện thoát nghèo.
Phước Thắng là xã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng trước đây đời sống của bà con chậm được cải thiện do sản xuất kém phát triển. Toàn xã có tổng diện tích đất nông nghiệp là 4.730 ha, trong đó có tới 50% bị bỏ hoang do đất xấu, thiếu nước. Với quyết tâm biến yếu tố bất lợi thành có lợi, năm 2014 thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, xã hỗ trợ nông dân đưa các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng khu vực như chuối sứ, mỳ cao sản, bắp lai… vào sản xuất, cho thu nhập 30 triệu đồng/ha/năm. Đồng chí Ka - tơr Chiêu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: Việc đưa cây trồng chịu hạn vào sản xuất đã biến khu vực hoang hóa trước đây thành những vùng chuyên canh cây trồng với quy mô lớn, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân, tạo điều kiện để nhiều hộ thoát nghèo.
Không những khai thác hết quỹ đất nông nghiệp, Bác Ái còn chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Được sự hỗ trợ của huyện, xã Phước Thành tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với trình độ canh tác của bà con vùng cao, triển khai mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”. Theo đó, xã thực hiện đưa cán bộ về cơ sở giúp dân bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”, vận động bà con từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu…Anh Pi - Năng Xuân, người địa phương, thổ lộ: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn tôi đã biết chọn các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất. 1 ha đất rẫy trước đây trồng bắp địa phương năng suất chỉ đạt 3 tấn, vụ đông - xuân vừa qua chuyển sang trồng bắp lai năng suất đạt 5 tấn/ha. Không riêng gì xã Phước Thành, các xã Phước Trung, Phước Tân, Phước Chính, Phước Hòa… cũng triển khai nhiều mô hình trồng trọt trên các vùng đất hỗ trợ khai hoang theo Nghị quyết 30a có hiệu quả, giúp bà con thoát nghèo.
Lĩnh vực không kém phần quan trọng để Bác Ái giảm nghèo nhanh đó là huyện triển khai kịp thời các nguồn vốn vay đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất. Trong năm có hàng trăm hộ nghèo được vay hàng chục tỷ đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình, chỉ riêng hưởng lợi từ Nghị quyết 30a đã có 235 lượt hộ nghèo được vay số tiền 9,5 tỷ đồng. Các hộ sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả, đầu tư mở rộng sản xuất. Tiêu biểu như bà con ở xã Phước Tân, Phước Tiến đã liên kết với doanh nghiệp trồng mía bằng hình thức góp tư liệu sản xuất (đất) để cùng hưởng lợi nhuận. Từ bước “đột phá” này, hàng chục ha đất thiếu nước trước đây được đưa vào sản xuất có hiệu quả. Trong năm, có 54 hộ ở 2 xã trên hợp tác trồng 54 ha mía, cho thu nhập 23 triệu đồng/ha/ năm, nâng giá trị đơn vị diện tích lên gấp 3 lần.
Đống chí Trần Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Tuy còn nhiều việc phải làm để giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương, nhưng với kết quả đạt được trong những năm qua, huyện cần đưa ra các giải pháp căn cơ hơn nữa, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền; cần tập trung chỉ đạo cơ sở thực hiện kịp thời, đúng đối tượng các chính sách giảm nghèo, ưu tiên bố trí vốn xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo phù hợp trên địa bàn; đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất. Cùng với đó, huyện cũng đã đề xuất với cấp trên có cơ chế đặc thù đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số ổn định đời sống như hỗ trợ tư liệu sản xuất, vay vốn trồng rừng, khuyến khích nông dân chủ động làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Anh Tùng