Đáng nói hơn nữa, vốn là ngư dân “chính hiệu” nhưng lại không phân biệt được đâu là loài ốc ăn được, đâu là ốc độc nên dẫn đến tình cảnh nêu trên. Điều này thật đáng báo động, bởi lẽ lâu nay tại các điểm bán hải sản, các chợ và nhất là các điểm bán trên lề đường về các loại ốc mà ngay người bán cũng không biết tên gọi là gì, có độc tính hay lành tính.
Ốc lạ có độc tính gây chết người tại thôn Lạc Tân 2, xã Phước Diêm. Ảnh: Văn Nỷ
Còn người mua cứ nghĩ đơn giản là hải sản nào cũng ăn được nhất là ốc nên cứ vô tư mua về dùng. Có thể đã từng xảy ra hậu quả trong đó có những giống ốc lạ nhưng do không khai báo nên cơ quan chức năng không nắm bắt được.
Theo thông tin mới đây của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, so với năm 2013 số vụ ngộ độc thực phẩm đã tăng hơn 13%, đặc biệt số người tử vong tăng gần 54%. Nguyên nhân các trường hợp tử vong hầu hết do độc tố tự nhiên có sẵn trong cóc, ốc biển lạ, rượu ngâm cây, rễ rừng…
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu những cái chết như không ít người cho là “lãng xẹt” đó?. Trước hết, nhìn về trách nhiệm cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát. Quả là thật khó để…” làm hết trách nhiệm”, bởi lẽ để kiểm tra, giám sát hết mọi hoạt động buôn bán, kinh doanh lớn, nhỏ diễn ra hàng giờ, hàng ngày trên địa bàn tỉnh không dễ, ngoại trừ các đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm. Còn đối với hộ kinh doanh cũng khó trách, bởi lẽ họ chỉ cần đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng...là đủ còn “sống chết mặc bay”!. Có chăng khi mua từ những người đánh bắt, gặp phải hải sản lạ chỉ hỏi “ lấy lệ” để biết ăn được là đủ, còn thực chất có độc tố hay không còn tùy thuộc vào cách chế biến và cả lượng “tiêu thụ” của từng người. Cuối cùng, chủ yếu vẫn là dựa vào sự “thông thái” của người tiêu dùng, hay nói khác hơn là kiến thức tiêu dùng cao hay thấp để tự mình quyết định nên mua sử dụng thực phẩm an toàn hay không an toàn mà thôi.
Thiết nghĩ, ngư dân cũng rất cần có những kiến thức cần thiết về các loài thủy, hải sản, qua đó chọn lọc, loại thải ngay từ đầu những loài hải sản lạ hay không thể sử dụng trước khi đưa ra thị trường… Muốn vậy, cơ quan chức năng cần thường xuyên tập huấn, cập nhật thông tin cho ngư dân - điều mà lâu nay bị bỏ qua. Mặt khác, cũng cần thường xuyên cung cấp thông tin cho người buôn bán hải sản và cả cho người tiêu dùng biết để phòng tránh ngộ độc, dẫn đến những hậu quả không đáng có… Lời khuyên: Tốt nhất là không nên mua và ăn những loại hải sản mà mình không biết, không hiểu!
Hạ Huyền