Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 20-12

 * Sự kiện:

- Ngày 20-12-1950: Tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu Liên khu IV do Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu IV Lê Viết Lượng dẫn đầu. Người nghe ông Lượng báo cáo tình hình mọi mặt của các tỉnh trong Liên khu, và căn dặn các vị trong đoàn phải chú ý chăm lo sản xuất và chăm lo đời sống của nhân dân, phải đi sát dân giúp đỡ kế hoạch và động viên nhân dân sản xuất, chiến đấu. Cùng ngày, Người ký một số sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh số 180/SL về việc truy tố trước Tòa án Quân sự những kẻ đầu cơ tiền tệ, làm tiền giả và các tội phá hoại nền tài chính quốc gia.

- Ngày 20-12-1955: Bài “Nhiệm vụ của thanh niên ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 657.Trong bài, Người biểu dương những thành tích của thanh niên đã đạt được trong sản xuất, học tập và huấn luyện chiến đấu nhắc nhở thanh nhiên phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm tròn trách nhiệm nặng nề và vinh dự của mình.Người kết luận: “Thanh niên ta sẽ là chủ nước nhà, Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”.

- Ngày 20-12-1960: Thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã đưa ra chương trình hành động tập hợp các lực lượng cách mạng đấu tranh cho mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là tiếng nói, ngọn cờ hiệu triệu, thúc giục lòng người, huy động mọi tầng lớp nhân dân, các thành phần trong xã hội, huy động sức mạnh của nhân dân miền Nam tham gia chống Mỹ, cứu nước. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng với các tổ chức trên đã góp phần xây nên truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, được tiếp nối từ truyền thống nghìn đời của dân tộc.

- Ngày 20-12-1994: Khánh thành và bàn giao Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Khởi công ngày 6-11-1979, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là một tổ hợp công nghiệp với nhiều hạng mục quan trọng. Nhà máy có 8 tổ máy, với công suất lắp đặt 1.920 MW.Tổ máy đầu tiên- tổ máy số 1 hoà lưới điện quốc gia ngày 31-12-1988 và tổ máy cuối cùng- tổ máy số 8 hoà lưới điện quốc gia ngày 4-4-1994.Trung bình, mức sản xuất của nhà máy đạt 8,4 tỷ kW/h.Ngoài ý nghĩa là một công trình công nghiệp quan trọng của đất nước, đóng góp sản lượng điện bằng 1/3 tổng sản lượng điện cả nước, thủy điện Hòa Bình còn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

- Ngày 20-12-2004: Tại Hà Nội, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm truy tặng cố Phó Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Bách vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế cũng như sự phát triển của mối quan hệ hợp tác Việt - Pháp.

* Nhân vật

- Ngày 20-12-1873: Ngày mất của Đại thần triều Nguyễn yêu nước Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương quê ở tỉnh Thừa Thiên và là Tổng đốc thành Hà Nội. Ngày 19-11-1873, quân Pháp đánh úp thành Hà Nội, ông bị trọng thương, được lính Pháp cứu chữa nhưng khảng khái từ chối và nói rằng: "Bây giờ, nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa?". Sau đó ông tuyệt thực gần một tháng và mất, thọ 73 tuổi.

- Ngày 20-12-1930: Ngày sinh của nhà văn Phan Tứ. Phan Tứ tên thật là Lê Khâm, quê ở xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Ông là cháu ngoại của chí sĩ Phan Chu Trinh. Với nhà văn Phan Tứ, những năm chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào và chiến trường miền Nam đã cho ông nhiều vốn sống sâu sắc để viết nên những tác phẩm hay về đề tài kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, phóng sự, bút ký, truyện ký, nhưng thể loại ông tâm huyết nhất là tiểu thuyết. Tiêu biểu như: “Bên kia biên giới”, “Trước giờ nổ súng”, “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi”... Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Ông mất ngày 17-4-1995

Theo TTXVN