Sống lại những hồi ức
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí trang trọng và đầy cảm xúc bởi đó là dịp để những người “lính già” như bác Hồ Mai, nguyên Chính trị viên Tỉnh đội Ninh Thuận; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh “sống lại” những năm tháng chống Pháp, đánh Mỹ hào hùng của cả dân tộc nói chung, nhân dân tỉnh ta nói riêng qua từng hồi ức.
Các thế hệ LLVT tỉnh gặp gỡ, trao đổi thân mật tại buổi tọa đàm. Ảnh: Diễm My
Tham gia kháng chiến từ sau Cách mạng tháng Tám, bác Hồ Mai từng “vào sinh, ra tử” cùng sự trưởng thành của LLVT tỉnh. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Ninh Thuận đã viết lên những trang sử hào hùng về tinh thần trung kiên, bất khuất, quyết chiến quyết thắng, không ngại hy sinh, gian khổ. Tại buổi giao lưu, bác Hồ Mai như trút hết tâm huyết, niềm vinh dự và tự hào của người lính Cụ Hồ qua những dấu son tiêu biểu trong truyền thống LLVT tỉnh. Những địa danh như Đá Trắng, Vụ Bổn, Ninh Chử, Phú Thọ, Thương Diêm, Cà Ná… và vang dội nhất là quê hương anh dũng Bác Ái lần lượt xuất hiện trong những câu chuyện kháng chiến. Cả hội trường, nhất là chiến sĩ trẻ và ĐVTN, học sinh đều lặng yên khi nghe kể lại trận đánh vào đồn Pháp của bác cùng 4 đồng đội, giết 5 tên giặc chỉ với vài phát đạn. Trong giây phút sinh tử mặt đối mặt với lính Pháp, bác nhấn mạnh đến phẩm chất người lính Cụ Hồ được tôi rèn trong năm tháng chiến tranh đã giúp bác và đồng đội chiến thắng kẻ thù trong chớp nhoáng. Sau trận đánh đồn, lính Pháp sợ bộ đội ta mà không dám đến gần khu vực dân sinh.
Ngồi cạnh bác Hồ Mai, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng “sống lại” những ngày hào hùng. Với chất giọng của quê hương Đồng khởi (Bến Tre), đồng chí kể: Tôi còn nhớ như in trận đánh Tết Mậu Thân 1968 ở chiến trường Ninh Thuận ta. Đó là vào ngày 25-1-1969, Tỉnh ủy tổ chức cho chúng tôi ăn Tết trước, rồi sau đó giao nhiệm vụ biệt kích vào Sân bay Thành Sơn tiêu diệt khu giặc lái. Vì tính chất ác liệt của cuộc kháng chiến, tôi cùng 20 đồng chí được làm lễ truy điệu trước khi đi và trao cho lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”. Trận đánh năm ấy diễn ra hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi cả thảy 21 người tiêu diệt được 16 giặc lái và đã có 5 đồng chí ngã xuống… Kể đến đây, đồng chí Nghĩa không giấu được xúc động, giọng ông nghèn nghẹn: Vượt rào thép, vượt bom đạn, tinh thần dũng cảm, kiên trung của những người lính Cụ Hồ ngã xuống đã tô thắm thêm cho lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cắm ở nhà đồn Sân bay Thành Sơn.
Thắp lửa truyền thống
Trong không khí trang trọng, ấm áp, thắm tình đồng chí, đồng đội giữa những người “lính già” và cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT tỉnh như “tiếp lửa” đến ĐVTN, học sinh trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Câu chuyện kháng chiến được các nhân chứng thuật lại khiến không ít chiến sĩ trẻ cũng như ĐVTN và học sinh thán phục bởi tinh thần quả cảm và mưu trí của những người lính Cụ Hồ năm xưa. Thay mặt LLVT tỉnh, Đại tá Huỳnh Công Năng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trân trọng gửi tới các đại biểu những lời thăm hỏi ân cần, thân thiết. Đồng chí khẳng định: Cuộc gặp mặt hôm nay nhằm tôn vinh và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và sự nghiệp xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, LLVT tỉnh nhà nói riêng. Qua đó, tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đồng chí Nguyễn Minh Trứ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đồng chí Bùi Nhật Quang,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa cho các đại biểu tham dự tọa đàm.
Đại diện thế hệ những người “lính trẻ”, Đại úy Lê Tứ Hùng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 610 bày tỏ: Vinh dự hơn khi được trưởng thành trong đơn vị Anh hùng của LLVT tỉnh, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 610 thời gian qua đã không ngừng tiếp nối truyền thống cha anh, đạt nhiều thành tích trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng đơn vị vững mạnh và trách nhiệm trong công tác dân vận. Thượng úy Nguyễn Thái Khoa, Trợ lý Ban Tác huấn Phòng Tham mưu (Bộ CHQS tỉnh); anh Bành Thế Hưng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Phủ Hà cũng thông tin đến các đại biểu thành tích nổi bật của bản thân và đơn vị trong xây dựng quân đội, xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ thời kỳ mới.
Buổi gặp mặt kết thúc trong niềm hân hoan của các thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” về niềm tự hào được lớn lên, trưởng thành trong môi trường quân đội. Mong muốn của thế hệ đi trước là cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; tích cực đóng góp tâm huyết, trí tuệ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Đối với ĐVTN, học sinh phải nỗ lực học tập, lao động để xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam
Một là, trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Hai là, quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng.
Ba là, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí.
Bốn là, đoàn kết nội bộ, cán bộ, chiến sĩ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thương yêu giúp đỡ nhau, trên dưới đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động.
Năm là, kỷ luật tự giác nghiêm minh.
Sáu là, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cần kiệm, xây dựng quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công.
Bảy là, lối sống trong sạch lành mạnh, có văn hóa, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan.
Tám là, luôn luôn nêu cao tinh thần ham học, cầu tiến bộ.
Chín là, đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình.
(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Diễm My