Vai trò, vị trí công tác Ðảng, công tác chính trị trong Quân đội 70 năm qua

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 -22/12/2014), trân trọng giới thiệu bài viết “Vai trò, vị trí công tác Ðảng, công tác chính trị trong Quân đội 70 năm qua” của nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu.

Vào đầu những năm 40 của thế kỷ 20, sự nghiệp cách mạng của nước ta có những phát triển mới. Ðáp ứng yêu cầu của phát triển mới đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đã sớm tổ chức quân đội. Ngày 22/12/1944, Ðội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân (QÐND) Việt Nam được thành lập. Ngay sau khi ra đời đã đánh hai trận đầu toàn thắng, phát triển thành đại đội chủ lực đầu tiên của Quân đội ta, tiếp đó phát triển nhanh chóng thành nhiều đại đội, thống nhất với Cứu quốc quân, với lực lượng vũ trang (LLVT) cả nước trở thành Việt Nam Giải phóng quân. Từ thời còn non trẻ, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân cùng với LLVT địa phương và dân quân, tự vệ cả nước đã cùng với toàn dân vùng lên Tổng khởi nghĩa đưa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến thắng lợi vĩ đại, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á

Quân đội có bước phát triển mới, từ bộ đội chủ lực đến bộ đội địa phương, dân quân du kích và bước vào cuộc kháng chiến ròng rã 30 năm đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Quân đội ta đã làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với Lào và Campuchia.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QÐND Việt Nam, cần làm rõ hơn, sâu hơn tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự ra đời, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội - trong đó có vị trí, vai trò công tác đảng, công tác chính trị.

Ðại hội lần thứ VII của Ðảng đã tổng kết và khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Ðảng ta, cùng với Chủ nghĩa Marx-Lenin, lý luận tiên phong của Ðảng Cộng sản, điều đầu tiên tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Ðội vũ trang Tuyên truyền giải phóng quân đã tạo nên sức mạnh to lớn cho quân và dân ta chiến thắng mọi kẻ thù. Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn với mục tiêu cách mạng là độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu cách mạng ấy cũng là mục tiêu của chiến tranh cách mạng, gắn cứu nước với cứu dân, giải phóng Tổ quốc và xây dựng chế độ mới tốt đẹp thật sự, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mục tiêu ấy đã đáp ứng khát vọng của toàn dân và của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta.

Trước đây, thời kỳ của nhiều triều đại phong kiến đã phát huy được truyền thống yêu nước của nhân dân và Quân đội, đánh thắng kẻ thù lớn mạnh. Nhưng đánh giặc xong thì đế vương làm chủ, chứ dân không phải là chủ, nên vẫn còn hạn chế, khoảng cách giàu, nghèo giữa lớp quan lại thượng lưu với lớp người dân cũng cách xa nhau. Từ khi có Bác Hồ và có Ðảng, công cuộc giải phóng dân tộc đã gắn với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động nên sức mạnh ấy đã nâng lên gấp bội. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng giáo dục cho Quân đội ta truyền thống yêu nước với tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", Người dạy cán bộ, chiến sĩ ta phải trung với nước, trung với Ðảng, hiếu với dân. Tư tưởng lớn của Người đã khơi dậy trong cán bộ, chiến sĩ ta lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Ðó là một động lực to lớn động viên Quân đội ta nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Ðể xây dựng một quân đội kiểu mới, một quân đội nhân dân chân chính, thực sự nhân dân, để thực hiện sự lãnh đạo của Ðảng đối với quân đội một cách xuyên suốt, chặt chẽ và phát huy hiệu lực, Ðảng đã lập một cơ chế và thông qua cơ chế đó mà thực hiện vai trò lãnh đạo của mình.

Qua các thời kỳ với những hình thức cụ thể khác nhau, nhưng khái quát lại, cơ chế lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội bao gồm một hệ thống tổ chức: Tổ chức đảng các cấp, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị, hệ thống chỉ huy và các tổ chức quần chúng. Cơ chế đó được bổ sung, hoàn chỉnh trong quá trình phát triển của Quân đội, của cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Ðảng đã lựa chọn những cán bộ ưu tú, có phẩm chất năng lực và có tín nhiệm vào công tác trong Quân đội. Cơ chế lãnh đạo của Ðảng lúc bấy giờ là: Từ Quân ủy Trung ương đến chi bộ, chế độ chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, chế độ thủ trưởng (người chỉ huy), các tổ chức quần chúng. Cơ chế này được thực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu lực rất lớn. Ðặc biệt là Ðảng ủy, người chính ủy và chính trị viên là trung tâm đoàn kết, là trí tuệ và linh hồn, là sức mạnh của toàn đơn vị. Cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị có một vị trí rất quan trọng trong việc tiến hành công tác Ðảng, công tác chính trị, trong việc tuyên truyền, giáo dục bộ đội nhận thức về mục tiêu, lý tưởng của Quân đội, về lòng trung thành đối với sự nghiệp của Ðảng và dân tộc, về bản chất giai cấp của Quân đội, về đoàn kết keo sơn nội bộ Quân đội, tình cá nước giữa quân và dân, cùng các mặt công tác khác: Tham mưu, hậu cần, kỹ thuật tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam đối với cách mạng Việt Nam, với QÐND Việt Nam. Bác Hồ luôn coi trọng giáo dục cho Quân đội truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất của dân tộc, Quân đội phải luôn gắn bó với dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, Quân đội ta thực sự là quân đội của dân, của dân tộc, do Ðảng Cộng sản lãnh đạo. Quan hệ với dân là quan hệ cá nước, Quân đội không những đánh giặc giỏi mà còn phải học tập biết làm công tác dân vận giỏi, sản xuất giỏi, luôn luôn dựa vào dân, có dân là có tất cả. Sức mạnh của Quân đội, sức mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân kết hợp sức mạnh của toàn dân thành sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù cũng như thành công trong mọi nhiệm vụ thời chiến cũng như thời bình.

Quân đội của dân, chiến đấu vì dân, quan hệ với dân như cá với nước thuộc về bản chất của một Quân đội kiểu mới - QÐND Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong chiến tranh cũng vậy, mà trong hòa bình cũng vậy, những hình ảnh cứu dân trong cơn hoạn nạn và sự hy sinh thân mình đã để lại trong lòng dân niềm thương tiếc vô hạn, đó là biểu hiện sáng ngời của truyền thống đoàn kết quân dân, của phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".

Công tác Ðảng, công tác chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã vận dụng sáng tạo cách đánh giặc của dân tộc, đánh giặc với sức mạnh toàn dân, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, kiên cường dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, dám đánh, quyết đánh, nên ta đã giành được những thắng lợi với những chiến công kỳ diệu như Ðiện Biên Phủ, Ðiện Biên Phủ trên không, Xuân Mậu Thân 1968, chiến cuộc 1972, Tổng tiến công giải phóng miền Nam năm 1975, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia.

Ngày nay chúng ta đã bước vào năm thứ 14 thế kỷ 21. Cục diện thế giới với nhiều biến động phức tạp, cách mạng khoa học-công nghệ đang phát triển với nhịp độ siêu tốc. Cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc, độc lập và chủ quyền quốc gia, xung đột tôn giáo cũng diễn ra gay gắt. Xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa với mặt tích cực và tiêu cực đang diễn ra. Xu thế hòa bình hợp tác phát triển cũng đang có những thử thách mới, các hoạt động khủng bố, các cuộc chiến tranh cục bộ diễn ra ở mức độ khác nhau, xu hướng chạy đua vũ trang có chiều hướng tăng lên, sự cạnh tranh ở một số nước lớn có thế mạnh về kinh tế, về khoa học-công nghệ cao về quốc phòng đang đua nhau giành ưu thế về mình trong vai trò chi phối đối với khu vực và thế giới.

Trước tình hình ấy, quân và dân ta phải nắm vững quy luật dựng nước và giữ nước, quán triệt sâu sắc đường lối đối nội và đối ngoại của Ðảng, đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng. Ra sức xây dựng Quân đội cách mạng chính quy - hiện đại, nâng cao bản lĩnh chính trị của ba thứ quân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân phù hợp với tình hình mới (giữa quân và dân; giữa quốc phòng và kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó kinh tế phải phát triển mạnh mới có điều kiện xây dựng quốc phòng mạnh). Hết sức coi trọng đầu tư vào lĩnh vực khoa học-kỹ thuật công nghệ cao, để chủ động đối phó với tình huống khi có chiến tranh xảy ra.

Công tác Ðảng, công tác chính trị trong Quân đội phải bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, của Quân đội, và những tác động của quốc tế để chủ động lãnh đạo giải quyết về nhận thức tư tưởng chính trị, thấy rõ những thuận lợi và những khó khăn mới, những luồng tư tưởng mơ hồ, sai trái, mất cảnh giác. Quân đội cũng là một trong những đối tượng mà các thế lực thù địch dùng "diễn biến hòa bình" để phá hoại sức chiến đấu của quân đội ta, mà trước hết là làm xói mòn bản chất cách mạng của Quân đội.

Những luận điệu ngọt ngào "nào là quân đội là của dân tộc chống ngoại xâm" "chứ không phải là nhiệm vụ bảo vệ chế độ, quân đội chỉ mang bản chất nhân dân chứ không mang bản chất giai cấp công nhân", cho nên phải thực hiện "phi chính trị hóa" "trung lập hóa quân đội". Những luận điệu đó thực chất là bức màn che nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội, tách Ðảng ra khỏi Quân đội, đối lập Quân đội với nhân dân... làm mờ nhạt đi đến làm biến chất chính trị của Quân đội trong cuộc đấu tranh mới đang diễn ra tinh vi và quyết liệt hiện nay.

Công cuộc xây dựng kinh tế, lấy kinh tế làm trung tâm, phát triển đất nước toàn diện và đi vào chiều sâu; bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đánh bại chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch đòi hỏi Ðảng ta, nhân dân ta, Quân đội ta phải coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng một Quân đội nhân dân cách mạng - chính quy - tinh nhuệ - hiện đại.

Sức mạnh của Quân đội ta là sức mạnh tổng hợp của đất nước, lịch sử đã khẳng định, sự lãnh đạo của Ðảng là yếu tố quyết định. Vì thế ngày nay tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội là một nguyên tắc có tầm quan trọng đặc biệt.

Trải qua 70 năm chiến đấu và xây dựng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội ta xứng đáng là một Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh mới đòi hỏi Quân đội ta phải hiểu rõ, hiểu sâu tình hình mới, những thuận lợi mới cũng như những khó khăn mới, những ưu điểm, những điểm mạnh cơ bản của Quân đội và cả những nhược điểm, những yếu kém về tư tưởng chính trị, về trình độ kỹ thuật, chiến thuật so với yêu cầu của một đội quân cách mạng - chính quy - tinh nhuệ - hiện đại.

Phải kiên định mục tiêu cách mạng, không được chủ quan mất cảnh giác với những quan điểm tư tưởng sai trái của chính bản thân mình, những yếu kém về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó chủ nghĩa cá nhân còn nặng, phải tiếp tục giáo dục đấu tranh để đạt kết quả cao nhất, làm cho Ðảng bộ Quân đội thực sự trong sạch, thực sự vững mạnh, xứng đáng đội quân tiên tiến nhất của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Cách đây mấy chục năm, Bác Hồ đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị của cán bộ trung cao cấp toàn quân, Bác phát biểu nhiều điểm, nhưng có hai điểm Bác nhấn mạnh khi kết thúc:

Bác nói, học tập nâng cao lập trường tư tưởng, đấu tranh khắc phục những tư tưởng không đúng mà tư tưởng mẹ là chủ nghĩa cá nhân.

Phải nâng cao tự phê bình và phê bình để thực hiện đoàn kết tốt. Ðoàn kết là một điểm quan trọng và cũng là một điểm mẹ.

Câu nói đó của Bác thật sâu sắc đối với Ðảng bộ và cán bộ trong Quân đội ta. Chúng ta phải nghiêm túc thực hiện tốt để Quân đội ta thực sự là một lực lượng tiên tiến của Ðảng, của dân tộc, với tinh thần phải thực sự "đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết - thành công, thành công đại thành công". Chủ nghĩa cá nhân trong Ðảng và trong Quân đội nhất định sẽ bị quét sạch.

Nguồn chinhphu.vn