Tỉ lệ nam - nữ của dân số Việt Nam hiện đang đồng đều 49,3% - 50,7%.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, điều tra đã đưa ra chỉ tiêu dân số quan trọng nhất cho việc phát triển và đánh giá quá trình thực hiện của các chính sách xã hội – kinh tế và kế hoạch phát triển cũng như việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Đây là một cuộc điều tra chọn mẫu quy mô lớn nhằm xây dựng chính sách, lập kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, các kết quả này đã chỉ ra được những tiến bộ của Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách sử dụng số liệu dân số mới nhất để định hướng cho các mục tiêu cho phát triển kinh tế xã hội và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Ông Arthur Erken cho rằng, sự thay đổi nhân khẩu học đòi hỏi Việt Nam cần có những chính sách kịp thời, phù hợp trong các lĩnh vực như: giáo dục, việc làm, an sinh xã hội… đồng thời, khuyến nghị các cơ quan, Ban, ngành Trung ương, các doanh nghiệp trong việc đầu tư nguồn lực cũng như việc sử dụng những số liệu này để xây dựng các chính sách cũng như xây dựng các mục tiêu chương trình của quốc gia.
Trong 5 năm qua, dân số Việt Nam đã tăng thêm 4.646.355 người, trung bình mỗi năm tăng 929.271 người. Tỷ suất tăng dân số trung bình mỗi năm là 1,06% giai đoạn từ 2009-2014, thấp hơn so với tỷ suất tăng dân số 1,2% mỗi năm trong giai đoạn 1999-2009. Tổng tỷ suất sinh là 2,09 trẻ trên một phụ nữ. Các kết quả trên khẳng định rằng, tỷ lệ sinh của Việt Nam đang tiếp tục giảm và ổn định dưới mức sinh thay thế trong thập kỷ vừa qua, đúng như kết quả của các cuộc Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hàng năm của Tổng cục Thống kê. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) là 14,9 trẻ em dưới 1 tuổi chết trên 1.000 trẻ sinh sống, đã khẳng định nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua trong việc cải thiện chăm sóc y tế sức khỏe cho bà mẹ va trẻ em.
Ba tỉnh, thành phố với số dân trên 3 triệu người là thành phố Hồ Chí Minh (7,955 triệu người), Hà Nội (7,067 triệu người) và Thanh Hóa (3,491 triệu người)
Điều tra cũng đã cho thấy điều kiện sinh hoạt của người dân đang được cải thiện. 46,6% hộ gia đình sống trong nhà kiên cố, 43,7% hộ sống trong nhà bán kiên cố, 5,9% hộ có nhà thiếu kiên cố và 3,7% hộ có nhà đơn sơ. Diện tích ở bình quân đầu người của cả nước là 20,6m2; 23,0m2/người tại khu vực thành thị và 19,5m2/ người tại nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, những kết quả chủ yếu trong Điều tra đã được tổng hợp từ thông tin của các bảng hỏi thu được qua điều tra 5% tổng số hộ gia đình trên cả nước. Cuộc điều tra này do Tổng cục Thống kê thực hiện và số liệu được tổng hợp từ tuyến huyện tới Trung ương.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho cuộc điều tra này. Đây là Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ lần đầu tiên được thực hiện sau 4 cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở được Việt Nam thực hiện từ sau năm 1975.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN