Cơ chế, chính sách phát triển y tế
Tại Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, Chính phủ đồng ý đẩy mạnh triển khai một số cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như:
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trường đại học y dược công (cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công) được hợp tác, đầu tư để thực hiện dự án theo những phương thức sau:
1- Vay vốn để đầu tư xây dựng, thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong khuôn viên đất hiện có và được quyết định tổ chức bộ máy, phương thức quản lý phù hợp.
2- Liên doanh, liên kết (góp vốn bằng: Tiền; cơ sở vật chất; năng lực, chất lượng, uy tín của đơn vị) với các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng, thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Thời gian liên doanh, liên kết do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
- Đối với các dự án xây dựng trên đất được giao của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công thì quyền sử dụng đất vẫn thuộc cơ cơ khám bệnh, chữa bệnh công. Hết thời gian liên doanh, liên kết thì tài sản trên đất thuộc về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công.
- Đối với các dự án xây dựng trên đất không thuộc quyền sử dụng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới được mang tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công; tên gọi cụ thể do các bên thỏa thuận.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cũng được áp dụng chế độ khấu hao của doanh nghiệp; được áp dụng chính sách và mức thuế thu nhập ưu đãi nhất theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị quyết này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công được cử công chức, viên chức (người lao động) làm việc tại bệnh viện tư theo nguyên tắc công khai, dân chủ, tự nguyện của người lao động.
Cơ chế về vốn, tín dụng đầu tư
Đồng thời, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công được vay vốn tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo các phương thức quy định trên.
Trường hợp vay vốn của tổ chức tín dụng sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng và lãi suất cho vay đầu tư phát triển của nhà nước.
Ngoài ra, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công được sử dụng vốn góp, vốn vay của các tổ chức, cá nhân (kể cả công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị); Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
Vốn góp bằng giá trị năng lực, chất lượng và uy tín của đơn vị phải được đánh giá tương xứng với giá trị, do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và nhà đầu tư thỏa thuận trong Đề án liên doanh, liên kết và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tỷ lệ này được ổn định trong suốt quá trình hoạt động của liên doanh, liên kết, kể cả trong trường hợp mở rộng quy mô hoặc tăng vốn hoạt động của cơ sở liên doanh, liên kết.
Chính sách về giá dịch vụ
Theo Nghị quyết, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định trên được thực hiện theo nguyên tắc tính đủ chi phí và có tích lũy. Thủ trưởng đơn vị y tế công quyết định mức giá cụ thể trong phạm vi khung giá do Liên Bộ Y tế - Tài chính quy định. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp được quyền quyết định mức giá. Các đơn vị phải thực hiện kê khai và niêm yết giá dịch vụ theo quy định.
Cở sở khám bệnh, chữa bệnh công chưa được cấp có thẩm quyền xác định toàn bộ giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý sử dụng như đối với doanh nghiệp nhà nước thì phải xác định giá trị của các tài sản sử dụng làm vốn góp theo quy định trước khi thực hiện các dự án đầu tư theo quy định tại Nghị quyết này.
Nâng cao năng lực cho cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020.
Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ Đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng vị trí, nhiệm vụ công tác, đạt tiêu chuẩn chức danh ở các cấp, góp phần chuẩn bị tốt nguồn cán bộ kế cận cho nhiệm kỳ Đại hội Đoàn 2017 - 2022, bổ sung nguồn cán bộ cho Đảng và hệ thống chính trị.
Nghiên cứu xây dựng chuẩn đào tạo
Một trong những nhiệm vụ của Đề án là nghiên cứu, khảo sát xây dựng chuẩn yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các vị trí công tác trong Đoàn Thanh niên các cấp.
Cụ thể, bổ sung, hoàn thiện 3 chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo các chức danh: Bí thư Đoàn cấp tỉnh, Bí thư Đoàn cấp huyện; Bí thư Đoàn cấp xã; 1 chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội, Đội (chương trình 2 tháng).
Bên cạnh đó, xây dựng mới 6 khung chương trình, đề cương chi tiết, tài liệu bồi dưỡng chuyên sầu về nghiệp vụ công tác tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, công tác Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, công tác Hội sinh viên Việt Nam, công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội, Đội cho 5.800 lượt cán bộ
Theo Đề án, sẽ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đoàn, Hội, Đội cho 5.800 lượt cán bộ, trong đó, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cơ bản về Đoàn, Hội, Đội cho 500 lượt cán bộ ở Trung ương và 2.500 Bí thư Đoàn xã các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các xã thuộc 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và 23 huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg.
Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho 2.000 lượt cán bộ các ban phong trào thuộc Trung ương Đoàn và trưởng, phó các ban phong trào thuộc Đoàn cấp tỉnh về nghiệp vụ công tác tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, công tác Hội Sinh viên Việt Nam, công tác Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 200 lượt cán bộ đương nhiệm, cán bộ trong diện quy hoạch Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; bồi dưỡng nâng cao năng lực chuẩn hóa 600 lượt cán bộ quản lý, giảng viên, báo cáo viên ở trung ương và cấp tỉnh tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn.
Cũng theo Đề án, sẽ đào tạo theo chức danh cho 6.000 lượt cán bộ Đoàn, bao gồm: 200 Bí thư Đoàn cấp tỉnh, cán bộ trong diện quy hoạch chức danh Bí thư Đoàn cấp tỉnh; 3.300 Bí thư Đoàn cấp huyện, cán bộ trong diện quy hoạch chức danh Bí thư Đoàn cấp huyện; 2.500 Bí thư Đoàn xã các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các xã thuộc 62 huyện nghèo theo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và 23 huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg.
Không tăng biên chế công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập
Kết luận tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 ngành Nội vụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện việc không tăng biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tuyển dụng vào không quá 50% số đã tinh giản và nghỉ hưu, thực hiện sắp xếp trong nội bộ cơ quan khi thành lập tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới.
Kiên quyết đưa ra khỏi công vụ những người kém về năng lực, phẩm chất. Trường hợp thật cần thiết phải bổ sung biên chế, các cơ quan lập Đề án, Bộ Nội vụ thẩm định chặt chẽ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc việc thi tuyển công chức, viên chức, bảo đảm quy trình, chất lượng. Hoàn thành xác định vị trí việc làm theo đúng lộ trình đã xác định. Việc xác định vị trí việc làm cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, làm cơ sở xác định tiêu chuẩn chức danh công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và để đánh giá đúng chất lượng công chức, viên chức.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chú trọng việc đánh giá công chức, viên chức, lưu ý trách nhiệm và đạo đức công vụ, đề cao vai trò, tính chiến đấu của tổ chức Đảng, tập thể và người đứng đầu trong việc đánh giá công chức, viên chức. Xác định số lượng cấp phó căn cứ vào khối lượng chức năng, nhiệm vụ được giao. Nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ.
Tập trung đơn giản hóa TTHC
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương trong năm 2015 cần tập trung thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Bộ Nội vụ hoàn thiện các dự án Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật về hội; hoàn thành các văn bản quy định chi tiết Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, trong đó chú ý hoàn thiện thể chế về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; quy định rõ ràng tiêu chí và đổi mới quy trình đánh giá.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất về chế độ hàm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có cơ chế động viên, khuyến khích đối với các cán bộ, công chức có năng lực.
Điều chỉnh Phương án sắp xếp DNNN thuộc TP Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo điều chỉnh Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Nghe nhìn Hà Nội (2014-2015); Xí nghiệp dịch vụ Nông nghiệp thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (2014-2015).
Cổ phần hóa 4 bộ phận doanh nghiệp đồng thời với Công ty mẹ gồm: Xí nghiệp Bắc Hà thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội, Xí nghiệp Toyota Hoàn Kiếm, Xe khách Nam Hà Nội thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (2016-2020).
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chuyển giao Công ty Tuổi trẻ Thủ đô thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh, sau đó phá sản Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Dịch vụ tuổi trẻ theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc sử dụng số tiền thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
UBND thành phố Hà Nội căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, điều kiện tình hình thực tế để quyết định tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa các đơn vị cổ phần hóa trên; thực hiện việc chuyển giao Công ty Tuổi trẻ Thủ đô sang Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh, phá sản Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Dịch vụ tuổi trẻ theo quy định của pháp luật. Việc sắp xếp, cổ phần hóa các đơn vị khác vẫn thực hiện như công văn số 2252/TTg-ĐMDN ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2015.
UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã được duyệt và những khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền để kịp thời giải quyết.
Nguồn Văn phòng Chính phủ