Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh: Bình đẳng giới là một quyền con người cơ bản và là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển của xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã dự và phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Liêm-TTXVN
Chính vì vậy, trong quá trình phát triển, bình đẳng giới luôn là một mục tiêu ưu tiên mà các quốc gia hướng đến. Trong đó, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ, năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau. Thông qua đó, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu đều thể hiện nhận thức sâu sắc bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách và khung pháp lý cơ bản về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Hiến pháp mới có Chương II quy định về quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam, nữ.
Nhà nước ta có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới, đồng thời cùng với xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Năm 2006, với việc thông qua Luật bình đẳng giới, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Chính phủ đã cụ thể hóa mục tiêu bình đẳng giới bằng chiến lược quốc gia về bình đẳng giới với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó có các chỉ tiêu về tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Nhiều vấn đề quan trọng đã được trình bày tại hội thảo như: tình hình cán bộ nữ tham các cấp ủy Đảng và những kiến nghị; tình hình cán bộ nữ tham gia lãnh đạo trong các cơ quan quản nhà nước và các kiến nghị; vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đối với việc bảo đảm bình đẳng giới trong qui trình bầu cử; chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Nhiều đại biểu đã trình bày quan điểm, đề xuất các giải pháp để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; kiến nghị với Đảng, Nhà nước về việc tăng cường các cơ chế chính sách, tạo điểu kiện cho cán bộ nữ tham gia lĩnh vực chính trị. Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Năm 2015 và năm 2016 sẽ diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021. Do vậy, vấn đề tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là vấn đề cần đặc biệt quan tâm . Hội thảo khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần này là hoạt động đầu tiên trong chuỗi sự kiện này.
Hội thảo cũng là dịp trao đổi kinh nghiệm thực tiễn việc tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị, giúp cho việc đưa ra kiến nghị, đề xuất giải pháp vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của cả nước nói chung.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN