Người cha kính yêu của Quân đội nhân dân Việt Nam

(NTO) Là người sáng lập các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện quân đội ta tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì Chủ nghĩa xã hội. Riêng đối với các chiến sĩ trong quân đội, là những người trực tiếp cầm súng chiến đấu chống quân thù, chịu nhiều gian khổ, vất vả và hy sinh cả xương máu của mình cho hạnh phúc của nhân dân, Bác luôn dành cho các anh sự quan tâm đặc biệt. Đối với các anh, Bác không chỉ như người cha, người mẹ chăm chút từ miếng cơm, tấm áo, giấc ngủ, bữa ăn mà còn như một người đồng chí, đồng đội luôn "đồng cam cộng khổ", chia ngọt sẻ bùi.

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn với các sĩ quan của Quân đội nhân dân
trong cuộc chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh: T.L

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cung cấp toàn quân lần thứ nhất ngày 25 tháng 6 năm 1952, Người căn dặn rất cụ thể: “ Đối với chiến sĩ phải săn sóc họ. làm sao cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ súng, đủ thuốc… Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ. Đó là bổn phận của các chú”

Mùa đông năm 1952, thương anh em chiến sĩ phải ăn núi ngủ hầm trong tiết trời rét mướt, từ hang Bòng (Tân Trào, Tuyên Quang) người viết bài thơ Tư chiến sĩ để phát động phong trào Mùa đông binh sĩ:

“... Mau mau gửi các chiến trường /Áo cho chiến sĩ trên đường lập công”.

Và Người đã mang tấm áo lụa quý giá nhất mà đồng bào tặng ra bán đấu giá lấy tiền mua áo ấm gửi các anh.

Mùa hè năm 1967, trời Hà Nội nóng như đổ lửa, Bác thường xuyên hỏi thăm tình hình các chiến sĩ đang trực trên các mâm pháo ở Ba Đình. Biết các anh vất vả, Người đã gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình tương đương 60 lượng vàng mua nước ngọt cho chiến sĩ Pháo phòng không trên toàn miền Bắc.

Có lần, Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Anh chị em ai cũng vui mừng ra đón Bác. Những đồng chí bệnh nặng không ra được Bác đến từng giường bệnh hỏi thăm từng người. Hôm ấy, trời nóng bức, Bác rút quạt giấy ra quạt cho các anh. Đến khi cơ quan định lắp máy điều hòa cho Bác, Bác nhất định không chịu, Người yêu cầu chuyển sang lắp cho trại điều dưỡng thương binh.

Quan tâm đến chiến sĩ nói chung, Bác còn quan tâm đến những con người cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể. Khi biết tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng đã anh dũng hy sinh, Bác đã gửi thư động viên, an ủi gia đình, bức thư có đoạn: “Tôi không có gia đình riêng, nước Việt Nam là gia đình của tôi, tất cả thanh niên Việt Nam đều là con cháu của tôi, mất đi một thanh niên lòng tôi như đứt từng khúc ruột”.

Ở cương vị là Chủ tịch nước nhưng Người ăn uống rất đạm bạc. thương Bác vất vả, thỉnh thoảng anh em cấp dưỡng lại nấu bát cháo, bát chè để bồi dưỡng thêm cho Bác, nhưng Bác không ăn một mình mà thường xẻ làm đôi, làm ba chia đều cho các chiến sĩ, bởi Người thường nói: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được, chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này là đủ lắm rồi”.

Mùa đông năm 1960, thấy Bác ở trên gác hai của căn nhà sàn, gió lạnh, cơ quan tìm mua cho Bác chiếc lò sưởi điện. Một lần, nửa đêm gió lạnh, Bác thức giấc, nghe tiếng anh lính gác húng hắng ho phía dưới. Bác đã cầm lò sưởi xuống tự tay nối dây điện để sưởi ấm cho anh, khiến anh vô cùng xúc động và cảm phục Người.

Hồi ở Tân Trào, đồng chí Thắng mới về phục vụ Bác, chỉ mặc bộ quần áo vải phong phanh nên anh đã bị ho. Bác gọi anh đến gần, lấy trong tủ ra chiếc áo trấn thủ và ân cần nói: “Chú mặc vào cho đỡ lạnh”. Thấy anh ngần ngại, Bác cười hiền từ và bảo: “Chú mặc ấm cũng như Bác mặc”. Chiếc áo trấn thủ cùng tình yêu thương của Bác đã sưởi ấm cho anh trong suốt những năm dài kháng chiến. Sau này anh gửi lại cho bố, ông cụ nâng niu chiếc áo như một kỷ vật quý giá của tổ tiên để lại, cho đến lúc chết ông vẫn không quên căn dặn con cháu phải chôn theo cho ông chiếc áo trấn thủ của Cụ Hồ.

Ngày nay, tuy Bác đã đi xa nhưng những câu chuyện kể về tình yêu thương của Người với chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam vẫn sáng mãi, ấm mãi trong lòng mọi người. Ghi nhớ công ơn của Bác, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt nam ngày càng vững vàng hơn để cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.