Tăng cường quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020 nhằm quản lý chặt chẽ khai thác gỗ rừng tự nhiên, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, sau năm 2020 sẽ tạo được những khu rừng sản xuất có chất lượng tốt đủ điều kiện khai thác bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ rừng tự nhiên cho tiêu dùng trong nước và từng bước thay thế gỗ nhập khẩu.
Dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên
Theo đó, sẽ dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước, trừ 2 khu vực (thuộc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đắk Tô, tỉnh Kon Tum và Công ty TNHH một thành viên lâm công nghiệp Long Đại, tỉnh Quảng Bình) đã được phê duyệt phương án, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế và việc khai thác thác tận dụng trên diện tích rừng sản xuất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn; tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ rừng; tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm theo quy định.
Kiểm soát chặt chẽ khâu chế biến, mua bán gỗ để ngăn chặn tình trạng tiêu thụ, sử dụng gỗ bất hợp pháp. Cụ thể, rà soát, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, chỉ cho phép hoạt động đối với các cơ sở đúng quy hoạch, có nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo hệ thống sổ sách đáp ứng cho công tác truy xuất, kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp; hạn chế hình thành mới đối với các cơ sở chế biến, mua bán gỗ; giải tỏa và không hình thành mới các cơ sở chế biến gỗ ở trong rừng và gần rừng tự nhiên; cương quyết đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở chế biến gỗ vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Cấm mua bán trao đổi gỗ rừng tự nhiên dưới mọi hình thức
Cùng với đó là giám sát chặt chẽ trong khai thác sử dụng gỗ rừng tự nhiên của hộ gia đình, cá nhân được giao rừng. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân chỉ được sử dụng gỗ cho nhu cầu thiết yếu tại chỗ, nghiêm cấm việc mua bán trao đổi dưới mọi hình thức. Khối lượng gỗ khai thác tối đa 10 m3/hộ/lần, nhưng không được lạm vào vốn rừng.
Đồng thời, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, đảm bảo nhu cầu thiết yếu về gỗ của người dân như đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ trồng rừng sản xuất; tăng cường công tác khuyến lâm để người dân miền núi phát triển rừng nhằm tự túc gỗ sử dụng cho nhu cầu thiết yếu tại chỗ...
Lợi thế rừng Đắk Lắk phải trực tiếp phục vụ đời sống nhân dân
Kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng lợi thế về rừng và đất rừng của tỉnh này phải trực tiếp phục vụ đời sống nhân dân, trước hết là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk cần xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách để đồng bào gắn bó với rừng, bảo vệ rừng, thoát nghèo và làm giàu từ rừng. Trong thực hiện chính sách giao rừng, cần tăng mức hỗ trợ cho người quản lý, bảo vệ rừng. Giúp đồng bào tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi và xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, chú trọng cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào phù hợp với lộ trình tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh Đắk Lắk phối hợp với với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành việc rà soát hiện trạng và lập quy hoạch sử dụng đất phù hợp phương hướng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và đảm bảo hiệu quả; phần diện tích đất không có nhu cầu sử dụng, sử dụng không hiệu quả hoặc do doanh nghiệp giải thể để lại được giao lại cho Tỉnh sử dụng theo quy hoạch và kế hoạch của địa phương, trong đó, ưu tiên giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển thương hiệu cà phê Đắk Lắk
Thủ tướng chỉ đạo, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế lớn nhất là về đất đai để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp với một số loại cây trồng chủ lực trong đó có cà phê, hồ tiêu; Tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, gắn thâm canh tăng năng suất, chất lượng cà phê với chế biến, tạo dựng và phát triển thương hiệu cà phê Đắk Lắk tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu. Lợi thế về rừng của Tỉnh cần được phát huy bằng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, về đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm của Tỉnh và vùng Tây Nguyên: Cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk) – Chi Miết (Campuchia); Trung tâm đo lường, kiểm định khu vực Tây Nguyên; Khu Liên hợp thể dục thể thao vùng Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột, Thủ tướng chỉ đạo Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thẩm định nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các dự án theo quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở đó các Bộ này bố trí vốn hỗ trợ trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Về đầu tư Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, Thủ tướng chỉ đạo Tỉnh tập trung thực hiện và giải ngân số vốn được giao. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan vận động vốn ODA để đầu tư máy móc, trang thiết bị y tế cho Bệnh viện, hoàn thành dự án theo tiến độ. Tỉnh chủ động thực hiện phương án đào tạo, bố trí đủ nhân lực y tế khi Dự án hoàn thành.
Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương nâng cấp Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc khu vực Tây Nguyên và Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Đắk Lắk lên Đại học khi đáp ứng đủ điều kiện.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, nghiên cứu việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt lên Tây Nguyên theo quy hoạch sau năm 2020; nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột trở thành Cảng hàng không quốc tế vào thời điểm thích hợp.
Điều chỉnh vị trí KCN Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ)
Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2020.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giữ nguyên số lượng và diện tích các khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch đã được phê duyệt; điều chỉnh vị trí KCN Cẩm Khê tới vị trí quy hoạch mới tại các xã Thanh Nga, Sai Nga, Sơn Nga và Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, KCN Cẩm Khê (450ha) được quy hoạch với vị trí ban đầu tại các xã Cấp Dẫn, Sơn Tình và Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê, cách Quốc lộ 32C và nút giao đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khoảng 8km, có khoảng 104 ha đất trồng lúa, 100 ha đất trồng cây, 210 ha đất rừng trồng sản xuất, 120 hộ dân. Theo UBND tỉnh Phú Thọ thì vị trí này không thuận lợi, chi phí giải phóng mặt bằng cao do dân cư đông, đất trồng lúa lớn.
Do vậy, UBND tỉnh Phú Thọ kiến nghị điều chỉnh quy hoạch KCN Cẩm Khê tới vị trí mới tại các xã Thanh Nga, Sai Nga, Sơn Nga và Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê, cách vị trí ban đầu khoảng 8 km. Vị trí mới này có nhiều thuận lợi hơn, diện tích đất trồng lúa giảm 50%, chi phí đầu tư hạ tầng giảm, số dân ít hơn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh; chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết, thực hiện thủ tục thành lập, mở rộng khu công nghiệp phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự, thủ tục theo quy định.
Nguồn Văn phòng Chính phủ