► Tại huyện Ninh Sơn, đồng chí Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn phải theo dõi sát tình hình và thông tin liên tục về diễn biến của cơn bão số 5, tuyên truyền thông báo cho nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, quản lý, bảo vệ tài sản, gia súc, gia cầm; tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát các hộ dân sống tại các khu vực trũng, vùng ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lỡ tại các địa phương thường xảy ra sạt lở như Ma Nới, Lâm Sơn, Mỹ Sơn... Triển khai ngay các phương án bố trí địa điểm để di dời dân đến nơi ở an toàn và sẵn sàng sơ tán dân khi bão đổ bộ và mưa lớn. Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão và tiếp nhận thông tin chỉ đạo của cấp trên cũng như báo cáo kịp thời tình hình ở địa phương. Các cơ quan Công an, Huyện đoàn, Ban chỉ huy Quân sự huyện chuẩn bị lực lượng xung kích, sẵn sàng huy động kịp thời ứng phó cứu nạn, cứu hộ giúp dân khi xảy ra bão và hỗ trợ khắc phục thiệt hại ngay sau bão. Công an huyện đảm bảo an toàn giao thông tại các tuyến đường chính thuộc quốc lộ 27 và đường về các xã. Các đơn vị quản lý hạ tầng, công trình đô thị khẩn trưởng kiểm tra các công trình hạ tầng đang thi công dang dỡ có biện pháp phòng chống kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại thấp nhất ….mọi công tác phòng chống bão phải hoàn thành trước 12 giờ ngày 11-12, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
UBND huyện Ninh Sơn triển khai cuộc họp phòng, chống bão số 5.
Ảnh: Nguyễn Sơn
►Cùng thời gian trên, BCH PCLB huyện Bác Ái cũng đã triển khai các phương án phòng chống bão số 5 trên địa huyện. Theo đó, BCH PCLB huyện Bác Ái yêu cầu các ngành, địa phương cần tập trung bám sát các phương án phòng chống lụt bảo và tìm kiếm cứu nạn trong năm mà BCH huyện đã đề ra. Bên cạnh đó, với đặc điểm của địa phương miền núi thường xảy ra gió lốc xoáy, mưa lớn sau bão có nguy cơ gây lũ quét, sạt lở…Lãnh đạo huyện chỉ đạo các xã khẩn trương tổ chức rà soát, lên phương án sẵn sàng sơ tán dân ở các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và các công trình đang xây dựng gần khu vực sông, suối; yêu cầu các địa phương phải bố trí các lực lượng nghiêm túc trực 24/24 giờ để kịp thời báo cáo diễn biến tình hình của bão; thường xuyên thông tin qua hệ thống loa phóng thanh xã, thôn để nhân dân nắm biết chủ động chằng, chống nhà cửa, không lưu thông gần các khu vực bờ tràn, sông suối; lên phương án “4 tại chỗ” đối với các khu vực thường xuyên bị chia cắt đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và tài sản của nhà nước khi bão đổ bộ…
► Chiều ngày 10-12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm tổ chức cuộc họp khẩn triển khai phương án phòng chống cơn bão số 5.
Tp.Phan Rang- Tháp Chàm họp khẩn triển khai phương án phòng chống cơn bão số 5.
Ảnh: Uyên Thu
BCH PCTT&TKCN thành phố chỉ đạo các địa phương theo dõi mọi diễn biến của bão; rà soát, bổ sung kịp thời các phương án phòng chống bão, triều cường, sóng lớn vùng ven biển, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước. Chính quyền các cấp huy động mọi lực lượng hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng; di dời nhân dân ở các vùng xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn.
Đối với các phường ven biển: Đông Hải, Mỹ Đông, Mỹ Hải, từ 12 giờ ngày 10-12, nghiêm cấm tất cả các tàu thuyền ra khơi, tìm cách thông tin liên lạc với các tàu thuyền đang hoạt động ngoài biển khơi nhanh chóng vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn; di chuyển các phương tiện lồng, bè thủy nội địa vào bờ an toàn. Mọi công việc phải hoàn thành trước 12 giờ ngày 11-12. UBND các phường ven đê sông Dinh: Mỹ Hương, Đạo Long, Tấn Tài, Mỹ Đông và người dân phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để đắp các cửa tường chống tràn không cho nước lũ tràn qua đê, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trong trường hợp lũ lớn vượt lên cấp III.
Ngư dân phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) kéo phương tiện đánh bắt hải sản vào nơi neo đậu an toàn.
Ảnh: Hoàng Trung
Các đơn vị dịch vụ công ích, cơ quan chuyên môn khẩn trương kiểm tra các công trình trọng điểm do mình quản lý, nhất là các tuyến kênh mương, đê, kè, đường xá, cầu cống để có kế hoạch sửa chữa và gia cố kịp thời; chủ động chặt tỉa cây xanh dễ đổ ngã; tháo gỡ các biển quãng cáo... đảm bảo an toàn, thông suốt hệ thống thoát nước, chiếu sáng, giao thông huyết mạch trước trong và sau khi bảo đổ bộ vào tỉnh ta.
► UBND huyện Ninh Phước đã khẩn trương triển khai các phương án chủ động ứng phó với tình hình mưa bão. Ông Lưu Văn Thìn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến thời điểm này, các địa phương trên toàn huyện đã hoàn tất việc rà soát các hộ dân nằm trong vùng xung yếu, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lỡ cao để tổ chức phương án di dời. Theo tổng hợp, khoảng 1.880 hộ/6.960 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống dọc bờ sông Quao ở các xã Phước Hậu, Phước Thuận, Phước Thái; vùng cuối kênh trũng thấp như An Hải, Phước Hải cần được di dời nếu có tình huống bão, lũ xảy ra. UBND huyện Ninh Phước cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai lịch trực thông tin và báo cáo tình hình mưa, bão; lực lượng Quân sự, Công an sẵn sàng cơ động; các xã, thị trấn tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà, đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi bão đổ bộ.
► Trước tình hình, diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, chiều ngày 10-12, UBND huyện Thuận Bắc đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) chủ động phương án ứng phó với cơn bão số 5.
Theo đó, Huyện Thuận Bắc đã phân công thành viên BCH PCTT-TKCN phụ trách từng địa bàn, khu vực. Kiểm tra, đôn đốc UBND các xã huy động lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, tổ chức cứu hộ, cứu nạn; kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm nhất là khu vực có gió lốc, lũ quét, sạt lở núi, đá lăn, khu vực hạ lưu hồ chứa trước 6 tiếng đồng hồ so với thời điểm dự báo bão đổ bộ vào đất liền. Thông báo cho nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, gia súc, gia cầm; lập phương án đảm bảo an toàn những nơi trọng yếu như: bờ tràn, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Các đơn vị thi công công trình trên địa bàn có kế hoạch di dời vật tư ra khỏi vùng trũng thấp, đặc biệt là các công trình trọng điểm, đảm bảo thoát lũ tốt. Riêng xã Phước Kháng, BCH PCTT-TKCN huyện đề nghị xã thành lập 1 tổ công tác tại thôn Suối Le do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã chỉ đạo. Các Trạm Thủy nông xây dựng kế hoạch đóng mở nước hợp lý, bảo vệ hồ chứa, hệ thống kênh chính Sông Trâu, kênh Bắc, đảm bảo tuyệt đối an toàn các công trình thủy lợi.
BCH PCTT-TKCN huyện Thuận Bắc họp triển khai phương án chủ động phòng, chống cơn bão số 5.
Ảnh: Phạm Lâm
Đối với tuyến biển Bình Tiên, BCH PCTT-TKCN huyện đề nghị UBND xã Công Hải phối hợp Đồn Biên phòng Bình Tiên kiểm tra và thực hiện tất cả các thông báo về tình hình thời tiết và triển khai công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn, thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình cơn bão số 5. Kêu gọi tàu thuyền, lao động ngoài khơi về nơi trú ẩn an toàn, neo đậu tàu thuyền hợp lý, tránh va đập gây thiệt hại. Tổ chức thông báo cho các hộ nuôi tôm hùm lồng, chằng chống và di chuyển lồng về nơi an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.
Về phía lực lượng, phương tiện cứu hộ, ngoài 60 cán bộ, chiến sĩ, 4 xuồng máy thuộc Bộ CHQS tỉnh, BCH PCTT-TKCN huyện Thuận Bắc giao các cơ quan chuẩn bị lực lượng xung kích để hỗ trợ gồm: Công an huyện: 40 người; Ban Chỉ huy Quân sự huyện: 12 người, 1 ca nô; Trung đội tự vệ huyện: 39 người; Huyện đoàn: 12 người; lực lượng xung kích, dân quân tự vệ các xã: 120 người. Tất cả tập trung tại đơn vị túc trực 24/24 sẵn sàng ứng phó cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra.
► Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, chiều ngày 10-12, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Thuận Nam (BCH PCLB) tổ chức họp triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 5.
BCH PCLB huyện Thuận Nam yêu cầu UBND các xã, các ban, ngành đoàn thể của huyện huy động toàn lực lượng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đối phó với cơn bão số 5. Theo đó, BCH PCLB huyện tổ chức trực ban 24/24 để theo dõi diễn biến của cơn bão số 5 và tiếp nhận thông tin chỉ đạo của cấp trên và báo cáo kịp thời tình hình ở địa phương. Triển khai ngay phương án chống bão theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động khu vực nguy hiểm khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn. Cần sắp xếp những tàu thuyền neo đậu ở cảng Cà Ná, Phước Dinh hợp lý, tránh va đập gây thiệt hại khi có bão đổ bộ. Thông báo các chủ doanh nghiệp, hộ dân nuôi trồng thủy, hải sản có kế hoạch di dời, bảo vệ tính mạng và tài sản. Tổ chức chặt tỉa cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.
Phòng Nông nghiệp& Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật thông tin, phối hợp với Trạm Thủy nông tổ chức kiểm tra và có phương án chống lũ ở các hồ đập, kênh, mương thủy lợi. Giao các cơ quan chuẩn bị lực lượng xung kích để hỗ trợ gồm: Ban chỉ huy Quân sự: 50 người; Công an: 50 người; Lực lượng xung kích tại chỗ 30 người/xã, khẩn trương chuẩn bị lực lượng sẵn sàng huy động kịp thời ứng phó cứu nạn, cứu hộ giúp nhân dân di dời đến nơi an toàn.
Tàu thuyền của ngư dân địa phương và các tỉnh bạn tránh trú bão tại cảng Cà Ná. Ảnh: Mỹ Dung
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 1.172 tàu thuyền, trong đó có 1.113 tàu thuyền địa phương và 59 tàu thuyền vãng lai. Sau khi có công điện số 5901 của UBND tỉnh, BCH PCLB huyện Thuận Nam đã kêu gọi 975 tàu thuyền đã cập bến neo đậu an toàn. Địa phương chủ động liên lạc và thông báo với 197 tàu thuyền còn lại, hiện đã neo đậu an toàn ở các tỉnh khác. Ngay sau cuộc họp, các thành viên BCH PCLB huyện Thuận Nam khẩn trương kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão tại các xã.
Có mặt tại cảng Cà Ná, theo ghi nhận của chúng tôi, địa phương đã chuẩn bị chu đáo nguồn nhân lực và phương tiện kỹ thuật chủ động đón cơn bão số 5. Tại cảng có 856 tàu thuyền đã neo đậu an toàn, riêng 197 tàu thuyền với 1.609 lao động đã trú ẩn an toàn ở các tỉnh khác. Ngư dân Trần Soát, chủ tàu NT90865, thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná cho biết: Được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, hầu hết ngư dân chúng tôi đã đưa thuyền lên bờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ.
► Chiều ngày 10-12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ninh Hải tổ chức cuộc họp khẩn cấp, triển khai phương án phòng chống cơn bão số 5.
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại cảng Ninh Chử, huyện Ninh Hải. Ảnh: Bích Thủy
Tại cuộc họp, đồng chí Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN huyện đã yêu cầu BCH Quân sự huyện, các Đồn Biên phòng, Công an huyện, UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền và các lồng bè vào nơi trú ẩn an toàn. Tổ chức sắp xếp neo đậu cho tàu thuyền tại các cảng cá Ninh Chử, Vĩnh Hy, Mỹ Tân; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản sau 12 giờ ngày 11-12-2014. Triển khai các phương án chủ động sơ tán dân khi bão đổ bộ hoặc mưa lớn. Hỗ trợ nhân dân thu hoạch sớm các loại cây trồng như táo, nho, lúa, ao đìa nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra, chặt tỉa cành cây có nguy cơ gãy đổ, giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình để giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền…
Huyện Ninh Hải hiện có 895 tàu thuyền đánh bắt cá với 4.251 lao động và 24 tàu du lịch. Từ 12 giờ trưa ngày 10-12, tất cả các Đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện đã thực hiện lệnh cấm biển và thông báo, hướng dẫn cho chủ phương tiện tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn. Trung úy Phan Minh Hiếu, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Ninh Chử cho biết, tính đến chiều ngày 10-12, trên địa bàn thị trấn Khánh Hải có 396 tàu thuyền neo đậu tránh bão; còn lại 13 tàu với 63 lao động đang trên đường vào bờ. Ngoài số tàu thuyền của địa phương, hiện tại cảng Ninh Chử còn có 30 phương tiện tàu thuyền của tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận; 51 tàu thuyền của thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải. Số tàu thuyền còn hoạt động trên biển, đồn biên phòng Ninh Chử đang tích cực liên lạc kêu gọi các phương tiện vào nơi tranh trú bão an toàn.
Lực lượng Biên phòng Đồn Biên phòng Ninh Chử thông báo, hưỡng dẫn chủ phương tiện đưa tàu,
thuyền vào nơi tránh bão. Ảnh Văn Ba
► Chiều ngày 10.12 Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai chủ động ứng với bão Hagupit (bão số 5) trên biển Đông.
Nhằm chuẩn bị tốt phòng chống bảo số 5; Đại tá Nguyễn Quang Huỳnh, Trưởng ban PCLB-&TKCN của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh yêu cầu các đơn vị Biên phòng toàn tỉnh duy trì nghiêm chế độ trực 100% quân số, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Tăng cường trực thông tin TKCN, tuyên truyền cho ngư dân biết hướng đi của bão, hướng dẫn kêu gọi các phương tiện vào nơi trú tránh bảo an toàn, nghiêm cấm không cho các phương tiện ra khơi đánh bắt. Các đồn BP 416, 408, 404 và Hải đội chủ động tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại các địa điểm qui định.
►Chiều ngày 10-12, Giám đốc Sở GD&ĐT đã có công văn gửi trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở về việc khẩn trương triển khai phương án phòng chống cơn bão số 5.
Theo đó, Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu: các đơn vị tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với các tình huống do cơn bão số 5 gây ra. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục cần chủ động đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, ngừng các hoạt động trong thời gian mưa bão đang diễn ra. Đối với các vùng có nhiều sông, suối, địa bàn phức tạp, có nguy cơ lũ và sạt lở đất nhà trường cần theo dõi sát tình hình để chủ động liên hệ với Ban Đại diện cha mẹ học sinh tạm thời nghỉ học nhằm phòng tránh rủi ro do bão gây ra. Kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh có hiệu quả đặc biệt là các công trình đang xây dựng dở dang; có biện pháp sơ tán các thiết bị dạy học, thư viện đến nơi an toàn, tránh ngập nước… Các đơn vị thành lập tổ công tác, cử cán bộ chủ chốt đến các điểm trường xung yếu để kiểm tra, đôn đốc công tác chống bão, lũ lụt, sạt lở khi có mưa to.
Nhóm PV-CTV