Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần

Tuần qua, hoạt động của lãnh đạo Chính phủ nổi bật với những quyết sách quan trọng trong điều hành KT-XH các tháng cuối năm 2014, chuẩn bị thực hiện mục tiêu năm 2015, những thông điệp quan trọng với các đối tác phát triển quốc tế, các chỉ đạo trong lĩnh vực điều phối kinh tế vùng, quy hoạch điện, thi hành án,...

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm phòng chỉ huy tàu tại Tổng công ty Ba Son. Ảnh: VGP

* Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phiên họp thường kỳ tháng 11/2014 của Chính phủ đã thống nhất cao việc đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm 2014, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu năm 2015.

Trước xu hướng giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tính toán các nguồn thu ngân sách, bảo đảm không để hụt thu; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn; chú ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không để nợ xấu gia tăng; tăng cường quản lý giá cả, cân đối cung cầu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu, không để biến động lớn về thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa kế hoạch cổ phần hóa DNNN. Hiện nay, tổng số vốn Nhà nước vào khoảng trên 1,2 triệu tỷ đồng trong khi lượng vốn bán được còn khá khiêm tốn.

Thủ tướng nêu rõ năm 2015 không tăng thêm biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc với Tổng công ty Ba Son, thị sát, kiểm tra tiến độ thực hiện đóng loạt 6 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya do Liên bang Nga chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Tại dự án đóng tàu tên lửa Molniya - một trong những loại tàu tên lửa tấn công hiện đại, được đánh giá là hoàn thiện và hoạt động ổn định hàng đầu thế giới hiện nay do Viện Thiết kế Hải quân Almaz - Liên bang Nga thiết kế, Thủ tướng cho rằng, việc đóng thành công 2 tàu tên lửa Molniya hiện đại đầu tiên là một bước trưởng thành vượt bậc của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, là sự khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật đóng tầu quân sự hiện đại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là nỗ lực thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, đặc biệt là hải quân và không quân, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và có những lĩnh vực đi thẳng vào hiện đại.

“Muốn giữ gìn hòa bình, ổn định, chúng ta phải mạnh lên, cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, trong đó phải thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, từng bước làm chủ công nghệ, kỹ thuật quân sự hiện đại”, Thủ tướng nói.

* Dự Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” là rất phù hợp với trọng tâm chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam.

Khái quát 6 trọng tâm điều hành của Chính phủ trong năm 2015, Thủ tướng nhấn mạnh với các đối tác của Việt Nam việc tập trung huy động và sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực, cải cách mạnh thủ tục hành chính, cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển, nhất là khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân.

* Dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 cuối kỳ với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các hiệp định thương mại mới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn thường xuyên nhận được góp ý của các tập đoàn, DN, tổ chức quốc tế về những vấn đề Việt Nam cần tập trung cải cách, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đồng thời góp phần phát triển hiệu quả, bền vững hơn nền kinh tế.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại đã có và tích cực đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

* Dự Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan THADS nhanh chóng xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, đẩy nhanh tiến độ không để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc có khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài gây bức xúc trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và người dân.

* Việc duy trì một tổ chức, cơ chế điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm là cần thiết nhưng phải đổi mới để hoạt động và cách thức điều phối không còn “hình thức”- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu khi chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm hoạt động điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ).

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các địa phương cũng được Phó Thủ tướng đánh giá cao, coi đó là giải pháp khắc phục tình trạng đầu tư trùng lắp, không có tính hỗ trợ lẫn nhau. “Sắp tới các hiệp định thương mại tự do được nước ta ký kết thì việc liên kết vùng KTTĐ sẽ có tác dụng hỗ trợ phát triển, tăng sức cạnh tranh rất lớn đối với nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.

* Chủ trì cuộc họp về Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII (giai đoạn 2011-2020), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cơ bản tán thành với các đề xuất của Bộ Công Thương khi cho rằng, với những thay đổi trong bức tranh tổng quan KT-XH, diễn biến tăng trưởng phụ tải điện thời gian qua, cần chủ trương điều chỉnh chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện, liên kết lưới khu vực. Từ đó, tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế chương trình phát triển điện lực quốc gia.

Phó Thủ tướng lưu ý cơ quan hoạch định về việc tính toán chặt chẽ, sát thực cao nhất các nội dung điều chỉnh tổng thể, cập nhật sát các thông số, dự báo tăng trưởng GDP, cân bằng năng lượng sơ cấp, từ than, khí đến năng lượng nguyên tử... để đưa ra nhu cầu phụ tải cũng như mục tiêu đầu tư nguồn, lưới. Đồng thời, thuê công ty tư vấn quốc tế đánh giá một số lĩnh vực để có được cái nhìn đa chiều và đầy đủ hơn.

* Văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số cần sáng tạo hơn nữa, phấn đấu có nhiều tác phẩm chất lượng cao hơn nữa, tạo bước phát triển mới của VHNT các dân tộc thiểu số - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Đại hội lần thứ V, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần chăm lo hơn nữa công tác phát hiện, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, từ đó hình thành những giá trị văn học nghệ thuật mới. Sự phát triển của văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số minh chứng cho sức sống, tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.

* Dự buổi Lễ mitinh Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn bằng nghị lực, hoài bão, ước mơ, những người khuyết tật sẽ phát huy giá trị đích thực của mình, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ cảm ơn và kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ tích cực cho nhân dân Việt Nam nói chung, trong đó có những người khuyết tật, có thêm điều kiện cải thiện, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần.

* Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoonglun Sisulith, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Lào từ ngày 4-5/12/2014.

Hai Phó Thủ tướng đã hội đàm, trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương hai nước và chia sẻ quan điểm về một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Trong đó, khẳng định hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tăng cường trao đổi các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao và triển khai các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước; đánh giá cao việc triển khai “Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào” và “Thỏa thuận cấp Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào”; đảm bảo vận hành chính thức mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo–Densavan từ ngày 07/01/2015.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ ủng hộ và hợp tác chặt chẽ để Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2016.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tới chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Choummaly Sayasone và Thủ tướng Lào Thongsinh Thammavong.

Tại các buổi tiếp, Phó Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi thân thiết của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Lào; bày tỏ mong muốn không ngừng củng cố và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, vì lợi ích của nhân dân và sự thành công của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lào Phongsavat Boupha và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Bounkeut Sangsomsak (nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Lào), Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Hữu nghị cho một số tập thể của Bộ Ngoại giao Lào vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào.

Nguồn chinhphu.vn