Từ giữa năm 2013, khi giá xăng rục rịch tăng giá, các nhà xe đã đua nhau nâng giá vé, thậm chí tự ý thu cước vận tải cao lên với lý do để bù chi phí nhiên liệu. Từ mức giá 100 ngàn-110 ngàn đồng/lượt khách đi tuyến Phan Rang-TP. Hồ Chí Minh, giá vé đã được đẩy lên mức 150 ngàn-160 ngàn đồng/lượt hành khách vào đầu năm nay. Như vậy giá cước vận tải hành khách đã tăng lên gần 50% so với trước. Tại thời điểm đó, nhiều hành khách tỏ ý không hài lòng, song vì mức tăng giá chung theo giá xăng dầu nên vẫn phải chấp nhận.
Hầu hết các nhà xe vẫn chưa điều chỉnh giá cước.
Đầu năm 2014 đến nay, khi giá xăng, dầu liên tục được điều chỉnh giảm, có lúc giảm sâu. Gần đây nhất, ngày 22-11 giá xăng tiếp tục giảm 1.140 đồng xuống còn 20.850 đồng/lít (xăng RON 95) và 20.250 đồng/lít (xăng RON 92); dầu diesel DO 0,05S giảm 590 đồng xuống còn 18.650 đồng/ lít (kg)... Đây là lần thứ 10 giá xăng dầu giảm và là lần giảm nhiều nhất. Có thể nói, giá xăng, dầu thời điểm này đã hạ nhiệt - thấp hơn mặt bằng giá năm 2012 và thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ tăng nóng trong năm 2013. Tuy nhiên, giá cước vận tải vẫn “ỳ ạch” chưa chịu giảm, hoặc giảm không đáng kể so với thực tế.
Hiện nay, tuyến xe có lượng khách đi nhiều nhất là Phan Rang-TP. Hồ Chí Minh vẫn có giá 150-160 ngàn đồng. Tiếp đó, tuyến từ Phan Rang đi các tỉnh ĐăkLăk, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa) và Bình Thuận hầu hết vẫn giữ nguyên mức giá cũ. Cho đến khi có văn bản yêu cầu của ngành Giao thông vận tải, các nhà xe mới rục rịch giảm giá nhưng với mức độ rất “dè dặt”. Hiện đã có một số nhà xe tự kê khai mức giảm từ 3-8% tùy theo tuyến và loại dịch vụ. Còn lại vẫn đang trong quá trình làm thủ tục theo Thông tư số 152/2014/TTLT-BCT-BGTVT hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng ô-tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thông tư này có hiệu lực ngày 1-12-2014.
Ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải cho biết: Để thực hiện công tác quản lý giá cước vận tải bằng ô-tô, đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp mức giảm giá của nhiên liệu góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác, Sở GTVT đang phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn và tiếp nhận bản kê khai giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn theo quy định của Thông tư 152, đồng thời thực hiện rà soát yêu cầu tính toán điều chỉnh giá cước phù hợp với giá nhiên liệu đầu vào để giảm giá cước vận tải. Đến nay, trong tổng số 20 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, có 3 đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi có kê khai mức giá giảm từ 3-8%, 2 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định kê khai giảm giá 6,7%. Còn lại một số đơn vị đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ vì trước đây khi thực hiện kê khai chưa áp dụng đúng theo Thông tư 152. Còn việc giảm giá bao nhiêu cho phù hợp là do Sở Tài chính thẩm định và rà soát !
Ông Nguyên cũng cho biết thêm: Cái khó hiện nay đó là xe chạy theo tuyến hợp đồng và vận tải hàng hóa không buộc phải kê khai niêm yết giá, nên giá cao hay thấp, phù hợp hay không phù hợp là do thỏa thuận giữa khách hàng và chủ phương tiện theo giá thị trường. Chính vì vậy, ngành chức năng khó có thể can thiệp về giá cước vận tải đối với loại hình này.
Như vậy, việc điều chỉnh giá cước vận tải hiện nay vẫn còn là "ẩn số". Trong khi chờ đợi các ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với doanh nghiệp vận tải ô-tô trên địa bàn, khách hàng cũng cần biết lựa chọn dịch vụ phù hợp. Các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động đề xuất hướng giảm giá hợp lý để tăng tính cạnh tranh.
Anh Tuấn