Nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” là biểu hiện cao đẹp của truyền thống “việc binh là việc nhân nghĩa”. “Bộ đội Cụ Hồ” - đội quân kiểu mới của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chăm sóc của nhân dân đã đánh bại các đội quân xâm lược tinh nhuệ của các đế quốc to, làm nên kỳ tích của thế kỷ XX. Năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vừa thành lập, sau 3 ngày đã đánh thắng hai trận Phai Khắt-Nà Ngần, mở đầu truyền thống chiến thắng trận đầu của quân đội ta.
"Người ngồi đó với cây chì đỏ
Vạch đường đi từng bước, từng giờ" (Tố Hữu).
Năm 1945, khi mới 1 tuổi, quân đội ta đã làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa toàn dân tộc, cướp chính quyền từ tay phát-xít Nhật, thành lập nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1964, Quân đội Nhân dân Việt Nam tròn 20 tuổi. Sau khi đã đánh thắng thực dân Pháp và đang đánh đuổi đế quốc Mỹ, Quân đội ta được Bác Hồ khen ngợi: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Năm 1975, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã “tuyên dương cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, suốt mấy chục năm ròng đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, từ gậy tầm vông, súng kíp đã lớn lên thành những binh đoàn hùng mạnh, đánh thắng những kẻ thù hung ác, lập được những chiến công oanh liệt từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của quân đội ta, cùng với toàn dân viết nên bản anh hùng ca kỳ diệu của chiến tranh cách mạng Việt Nam”.
Nhân dân lao động 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi đến miền ngược đều là cha mẹ của bộ đội, đều góp công góp sức xây dựng hình tượng cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành hình mẫu của con người mới Việt Nam. Đó là những người lính được giác ngộ lý tưởng cách mạng, chiến đấu vì chân lý của dân tộc và thời đại “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
“Bộ đội Cụ Hồ” trong quá trình chiến đấu đã thể hiện bản chất cách mạng và truyền thống cách mạng của mình với những đặc trưng nổi bật: Sống có lý tưởng, có mục đích, trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân là phẩm chất cao quý nhất của “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Đây là cái gốc của cả cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sĩ quân đội. Khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, dù phải đương đầu với những đội quân xâm lược lớn mạnh, hung hãn đến đâu, quân đội ta vẫn luôn luôn vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng, xứng đáng là công cụ tin cậy của Đảng và Nhà nước, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. “Bộ đội Cụ Hồ” xứng đáng với lời khen của Bác: “Trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”.
Bộ đội Cụ Hồ chiến đấu dũng cảm và mưu trí, dám đánh, biết đánh và biết thắng. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng đã trở thành cốt cách của người chiến sĩ quân đội qua các cuộc chiến tranh. Tinh thần quả cảm, gan dạ, trí thông minh và tài sáng tạo của “Bộ đội Cụ Hồ” đã xây dựng nên cách đánh độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ có lòng dũng cảm vô song mà còn có trí tuệ, nắm được quy luật và hành động theo quy luật. Mở đầu cuộc kháng chiến, quân ta chỉ có “bao gạo, súng trường”, “chân đất mũ nan”, đã dám dùng bom ba càng chạy bộ đón đường, dùng lựu đạn để phá xe tăng địch. Đến cuối cuộc chiến tranh, người lính đã biết lái máy bay phản lực, điều khiển tên lửa, lái xe tăng đánh giặc. Kế thừa truyền thống quân sự quý báu của tổ tiên, tư tưởng và nghệ thuật quân sự của quân đội ta là lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng quân địch có số lượng đông, lấy yếu chống mạnh về vật chất kỹ thuật, lấy trang bị ít hơn và kém hiện đại hơn thắng vũ khí kỹ thuật tối tân của quân địch. Quân đội ta luôn luôn đề cao yếu tố con người, “Người trước súng sau”, “không chủ quan khinh địch”, “thắng không kiêu, bại không nản”. Nghệ thuật quân sự tiên tiến của Quân đội Nhân dân Việt Nam, của “Bộ đội Cụ Hồ” là một sáng tạo lớn của quân và dân ta. “Bộ đội Cụ Hồ” có truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí. Mỗi người lính dù ở hoàn cảnh nào cũng thực hiện lời Bác dạy: “Phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Khi mình chưa đến thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”. Người coi mối quan hệ quân dân như cá với nước. Trong chiến tranh, “Bộ đội Cụ Hồ” hy sinh thân mình để bảo vệ dân, trong hòa bình thì giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo. Mỗi đơn vị quân đội dù đóng quân ở đâu cũng trở thành những điểm sáng văn hóa, trở thành “trường học” của thanh thiếu niên địa phương.
Trải qua hơn 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mỗi ngọn núi dòng sông, mỗi đường phố xóm làng đều ngời sáng chiến công, mỗi làng quê, thôn xóm trên khắp đất nước Việt Nam đều có những người con trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”, đều có những anh hùng, liệt sĩ hy sinh cho quê hương...
Bộ đội Cụ Hồ luôn đoàn kết, cán bộ, chiến sĩ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thương yêu giúp đỡ nhau, trên dưới đồng lòng thống nhất ý chí và hành động. Với đồng đội, đồng chí, bộ đội Cụ Hồ đoàn kết thương yêu như ruột thịt, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Tình đoàn kết trong nội bộ quân đội được xây dựng trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội, cùng chung lý tưởng và mục đích chiến đấu. Đó là tình cảm “Phụ tử chi binh”, trên dưới một lòng, sống chết có nhau, vui buồn có nhau, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể. Cán bộ chăm lo mọi mặt cho chiến sĩ cấp dưới tôn trọng, phục tùng mệnh lệnh cấp trên, chiến sĩ tin cậy, bảo vệ cán bộ. Trên dưới đồng lòng, toàn quân thành một khối vững chắc thống nhất ý chí và hành động vì mục đích chung của cách mạng, của quân đội, của đơn vị và sự tiến bộ của mỗi người.
Bộ đội Cụ Hồ có truyền thống tốt đẹp là kỷ luật tự giác nghiêm minh. Truyền thống đó được thể hiện ở tính tự giác cao trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mỗi quân nhân, trong chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên ở bất kỳ điều kiện nào. Quân đội ta đã rèn luyện, xây dựng được nếp sống có kỷ luật, trở thành thói quen khi thực hiện nhiệm vụ và ý thức đấu tranh kiên quyết để chống mọi hành vi vô tổ chức, vô kỷ luật. Điều đó trở thành lối sống cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ.
Bộ đội Cụ Hồ luôn có tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công. Từ khi ra đời với “gậy tầm vông, sung kíp”, bộ đội Cụ Hồ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Đó là tinh thần chắt chiu, cần kiệm, thực hiện “mỗi viên đạn một quân thù”, “cướp súng giặc giết giặc”, coi vũ khí trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật của Nhà nước, của quân đội như tài sản của chính mình, tích cực lao động, tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế nâng cao đời sống lao động sáng tạo, có kỹ thuật, có kỷ luật, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao có ý thức tôn trọng, bảo vệ của công, tiết kiệm sức người, sức của, kiên quyết chống tham ô, lãng phí, chống tham nhũng. Ngày nay, truyền thống đó càng được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lối sống trong sạch, lành mạnh, có văn hóa, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan của Bộ đội Cụ Hồ là được kế thừa từ những đức tính cao đẹp của dân tộc, xuất phát từ bản chất, đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân. Lối sống đó được thể hiện trong sinh hoạt, học tập, lao động và chiến đấu. Một nếp sống với tinh thần tự giác cao, khẩn trương, chính xác linh hoạt có kỷ luật, có tổ chức, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, kỷ luật của quân đội và pháp luật của Nhà nước luôn sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, quý trọng công sức lao động và mọi thành quả lao động sống có văn hóa, biết tự trọng, phân rõ đúng-sai, tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, dũng cảm đấu tranh với những thói hư tật xấu, lạc quan, tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu chiến đấu, vào thắng lợi tất yếu của cách mạng.
Bộ đội Cụ Hồ luôn nêu cao tinh thần ham học, cầu tiến bộ, nhạy cảm, tinh tế trong cuộc sống. Học tập, rèn luyện vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm được hình thành phát triển trên tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, một đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, là truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Nó thấm sâu vào mỗi quân nhân và trở thành cách nghĩ và hành động trong cuộc sống của mỗi người. Thời chiến cũng như thời bình, thuận lợi cũng như khó khăn, Bộ đội Cụ Hồ luôn khắc phục mọi thiếu thốn, sử dụng mọi thời gian, tranh thủ mọi điều kiện để học tập, rèn luyện với tinh thần bền bỉ, kiên trì, cầu tiến bộ, bài trừ, phê phán cái lạc hậu, trở ngại, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, bản lĩnh chiến đấu, năng lực công tác, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Với bạn bè quốc tế, Bộ đội Cụ Hồ đoàn kết, thủy chung son sắt, chí nghĩa chí tình. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân đội ta luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân và quân đội các nước anh em, với các dân tộc bị áp bức, các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Bản chất và truyền thống quý báu này hình thành và phát triển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dân tộc vẻ vang và nghĩa vụ quốc tế.
Khi đất nước không còn chiến tranh, ngày nay, ở tất cả các cơ quan Đảng và Nhà nước, ở hầu khắp các ngành kinh tế, xã hội đều có những cán bộ, nhân viên từng mặc quân phục, từng vinh dự là “Bộ đội Cụ Hồ”. Ở khắp nơi, những anh “Bộ đội Cụ Hồ” sau khi trở về thành một người dân bình thường vẫn giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội, vẫn là hạt nhân đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
“Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là một lực lượng vũ trang lành mạnh, mà còn trở thành lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, của nhân dân, có đủ uy tín và năng lực xử lý các tình huống chính trị-xã hội phức tạp như trong sửa sai cải cách ruộng đất, trong đấu tranh chống bọn phản động, phá hoại trước đây, và trong cuộc đấu tranh với những quan điểm lệch lạc, sai trái hiện nay. Các cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng đến những nơi mưa bão, lũ lụt để cứu giúp nhân dân, đến định cư ở những vùng xa xôi, hẻo lánh để mở mang các nông trường, lâm trường, góp phần xây dựng kinh tế, kết hợp với củng cố quốc phòng-an ninh. Đó là những người lính biết hy sinh chiến đấu vì nghĩa vụ quốc tế vô tư, trong sáng, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”.
Bản chất và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trước kia, ngày nay cũng như sau này không thể thay đổi, vì quân đội ta bao giờ cũng là quân đội nhân dân, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quân đội đó đã được Bác Hồ trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, xây dựng, giáo dục và rèn luyện. Có thể nói, “Bộ đội Cụ Hồ” là một nét văn hóa quân sự nổi bật trong nền văn hóa dân tộc, là một biểu tượng cao đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Theo TTXVN