“Thương con như thế bằng mười hại con”

Câu chuyện thứ nhất tại một phiên tòa:

Chủ tọa: “Bị cáo biết mình bị bắt về tội gì không?”

Bị cáo: “ Dạ, cướp giật tài sản”

….

Chủ tọa: “Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo thấy có khác với sống ở nhà không?”

Bị cáo : “Dạ, ăn khổ”

Mẹ bị cáo dự phiên tòa, chép miệng:

“Tội nghiệp, ở nhà, nó ăn thiếu thứ gì đâu”.

Nghe những lời trên, những người dự phiên tòa không khỏi cám cảnh.

Bị cáo 18 tuổi, cao lớn, đẹp trai, là con một. Ba C. bán hàng thuê, mẹ nấu rượu, nuôi heo. Dù đời sống không dư giả, C. vẫn được ba mẹ cưng chiều hết mực. Khi còn nhỏ, thấy bạn của C. có món đồ chơi nào, mặc áo quần gì thì C. cũng phải có thứ đó. Mẹ C. không chịu nổi cảm giác con mình bị “thua” con người khác. Chưa học lớp 1 mà C. đã biết cầm tiền ra quán mua hàng. Lúc mẹ không ở nhà, C. ra quán mua thiếu, mẹ có nhiệm vụ trả. Và khi, lớn lên, mẹ C. lại cầm tiền ra quán nhậu để trả nợ cho C. … nhậu dùm. Còn chuyện học hành thì ráng lắm C cũng được … lớp 6 rồi nghỉ học để đi phụ hồ. Mẹ C. xót xa: “Nó thích làm ra tiền, nên nghỉ học. Mà tui đâu có lấy tiền của nó đâu, để cho nó cất giữ xài riêng. Còn quần áo, điện thoại, cơm nước, tiền tiêu hàng ngày, tôi lo đầy đủ. Vậy mà không hiểu sao, nó đi cướp giật điện thoại của người ta, để bây giờ phải sống khổ”.

Chủ tọa: “Vì sao bị cáo lại rủ bạn đi cướp giật?”

Bị cáo: “Dạ! Hết tiền xài”.

Chủ tọa: “Cơm nước mẹ lo. Tiền làm thêm mẹ không lấy. Vậy bị báo tiêu gì mà không đủ?”

Bị cáo: “Cà phê, đi nhậu”

Bỏ học, C đi làm phụ hồ, phụ sơn nhà, thích thì làm, buồn thì nghỉ, lương đủ để C rủ bạn bè đi vài độ nhậu, vài cữ cà phê với bạn bè. Hết tiền vào quán, C thấy buồn chán, bứt rứt. Quen với những cuộc “thư giãn” trong quán cà phê, xả Stress trong quán nhậu mà tiền làm thì không đủ, C rủ một đứa bạn cùng đi để gặp ai sơ hở là…giật.

Kết thúc phiên tòa. Bị cáo được dẫn giải ra xe để trở về trại giam. Hội trường nhốn nháo… Mẹ bị cáo lật đật chen tới sát con, giọng nghẹn lại, hỏi : “Con ơi, ăn gì, mẹ mua cho”.

Câu chuyện thứ hai

Kinh tế khá giả, muốn con học hành giỏi giang, nên mặc dù mới bước sang lớp 6, chị T ở xã Thanh Hải (Ninh Hải) đã cho con lên ở trọ tại phường Mỹ Hương để tiện theo học ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Mới gần nửa năm cho con lên phố thị, chị T gần như té xỉu khi hay tin con mình bị đưa về đồn công an về tội đột nhập nhà dân trộm cắp. Nghe nó khai với công an là cùng với một bạn học lớn hơn 2 tuổi, thực hiện 05 phi vụ leo lên mái nhà người dân, cạy tôn, vào lấy trộm vàng, tiền, máy tính xách tay rồi đem bán lấy hàng chục triệu đồng chơi game, tiêu xài, chị rụng rời tay chân. Tại phiên toà, chị T khóc ngất: Tiền ăn học đâu có thiếu, nó xin là tui cho, vậy mà…

Chị H. ở xã Cà Ná (Thuận Nam) cật lực kiếm tiền nhưng rất phấn khởi khi chu cấp đầy đủ cho hai "quý tử" trọ học ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Chị cũng không ngờ được con mình cùng với các đối tượng khác gây ra 3 vụ cướp giật dây chuyền, giỏ xách táo bạo trên đường chỉ để có tiền bao bạn gái đi quán bar.

Nhiều bậc cha mẹ vì thương con nên sắm xe gắn máy cho con đi học mà không biết rằng các em chưa đủ tuổi điều khiển xe và bài học về an toàn giao thông thì bỏ ngỏ. Thử quan sát tại các ngã tư trên địa bàn Tp. PR - TC thấy trong số những trường hợp vượt đèn đỏ thì có hơn 80% là học sinh, không đội mũ bảo hiểm, vừa chạy xe, vừa quàng vai bá cổ, đùa giỡn với nhau và…thản nhiên vượt đèn đỏ. Nhiều gia đình tích cóp mua máy vi tính, nối mạng cho con mở mang hiểu biết, cho bằng bạn bằng bè. Nhưng không ít trường hợp, các em dùng vi tính phục vụ việc học thì ít mà chơi game, chát, xem phim bạo lực …thì nhiều. Cha mẹ thấy con chăm chỉ ngồi trước vi tính là …mừng. Có người kỹ hơn là vào phòng con “kiểm tra”, rõ ràng là nó đang học trên vi tính. Yên tâm đi ngủ. Nào ngờ, con chờ cha mẹ ngon giấc, tiếp tục ngồi vào vi tính tới gần sáng để… chơi game.

Quản lý con cái, một bài toán "rối bời" của không ít bậc làm cha, làm mẹ trong bối cảnh hiện nay. Để giáo dục con nên người là sự nỗ lực lớn của cha mẹ. Không phải cứ lo cho con ăn ngon, mặc đẹp là đã hoàn thành trách nhiệm với con. Theo nhiều chuyên gia giáo dục con trẻ, dạy con là cả một nghệ thuật, đó là sự kết hợp giữa nhẹ nhàng, nghiêm khắc nhưng bao dung, là sự giám sát chặt chẽ hành động, tâm tư, các mối quan hệ của con nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng con trẻ, đặc biệt các cháu ở lứa tuổi teen. Điều quan trọng nhất là không nuông chiều con quá mức về mặt vật chất, hãy dạy cho con biết quí sức lao động chân chính và tiêu tiền đúng mục đích.

Nhiều phụ huynh đã không còn nhớ câu nói của người xưa: “Thương con như thế bằng mười hại con” …