Vấn đề hôm nay:

Thừa và thiếu!

(NTO) Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm xác định cần vươn tới đó là xây dựng Thành phố ngang tầm loại II vào năm 2015.

Để đưa Nghị quyết thực sự trở thành “mệnh lệnh” của cuộc sống, có thể nói từ đầu nhiệm kỳ đến nay lãnh đạo thành phố đã và đang chú tâm thực hiện khá toàn diện các quy định trong Bộ tiêu chí của Bộ xây dựng. Điều nhận thấy rõ nhất là kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị với nhiều tuyến đường nội thành được xây dựng rộng rãi, khang trang; nhiều khu dân cư nông nghiệp trước đây nay đã được “đô thị hóa”; hàng ngàn cây xanh được phát triển trồng trên các tuyến đường, nhất là các trục đường chính như 16 Tháng 4, Yên Ninh, Lê Duẩn, Thống Nhất nối dài, Ngô Gia Tự,… Các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai hay Hải Thượng Lãn Ông được mở ra kết nối với nhiều tuyến đường khác đã tạo nên bộ mặt đô thị hiện đại, thay đổi gần như hoàn toàn hình ảnh nhiều vùng nông thôn “tù mù” dăm năm trước đây.

 

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015. Ảnh: Văn Miên

Không ít người đã nhận xét một cách thấu đáo rằng Phan Rang-Tháp Chàm đã và đang thay đổi từng ngày theo hướng hiện đại. Mới đây, trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận, lãnh đạo Thành phố cho biết đến nay, qua đối chiếu với 49 tiêu chí của chuẩn đô thị loại II theo Thông tư 34 của Bộ Xây dựng thì thành phố đã có 25 tiêu chí đạt điểm tối đa, một số tiêu chí khác đạt khá với với tổng số điểm “tạm tính” là 85,78/ thang điểm 100, vượt khá cao nếu so với chuẩn quy định chỉ cần 70 điểm coi như đã đạt.

Quả là tín hiệu đáng mừng nếu không muốn nói là “hoàn thành” trước kế hoạch 1 năm. Tuy nhiên, đây chỉ là tính theo “số học” đơn thuần. Thực tế, thành phố còn rất nhiều việc phải phấn đấu thực hiện trong điều kiện khó khăn, nhất là huy động nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng từ giao thông đến tăng trưởng kinh tế nhằm giải quyết việc làm cho số đông lao động “truyền thống” nông nghiệp nay chuyển sang phi nông nghiệp với thu nhập, việc làm ổn định, chống tái nghèo, cận nghèo… Không những vậy, vấn đề cũng cần đặt ra cho lãnh đạo thành phố là cần chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt “xanh-sạch-đẹp và văn minh”. Cây xanh, công viên xanh đã và đang tiếp tục đầu tư và một số công trình đã đưa vào phục vụ nhân dân như công viên biển Bình Sơn thực sự là “điểm nhấn” tạo nên dấu ấn đẹp cho thành phố. Tuy vậy, lo nhất vẫn là tiêu chí sạch-đẹp gắn với bảo vệ môi trường. Có dịp đi qua phần lớn các phường nội, ngoại thành cảm nhận của chúng tôi là sức “lan tỏa” của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố cũng như Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy chưa thật “sâu sắc” đối với cán bộ và nhân dân địa phương. Cụ thể là rác thải, nước thải vẫn còn bừa bãi dọc theo một số tuyến đường nội phường, không những gây nên hình ảnh không đẹp mà còn ô nhiễm môi trường. Tình trạng dán quảng cáo tràn lan, tại mọi nơi có thể, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị nhưng không thấy xử lý, một số tuyến đường như Trần Phú thi công kéo dài nham nhở vừa xấu, vừa mất an toàn giao thông. Hệ thống cống thoát nước trên đường 21 Tháng 8 đầu tư quy mô nhưng mưa là đọng nước mặc dù có cải thiện hơn trước đây…

Có thể nói, việc thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đạt và vượt các tiêu chí của đô thị loại II thực sự đã nằm trong tầm tay, cái khó là liệu có giữ vững được lâu dài nhất là đối với các tiêu chí “nhạy cảm” như về môi trường, an sinh xã hội…Mặt khác, đừng để “thừa”quyết tâm chính trị nhưng lại “thiếu” quyết liệt và đồng bộ từ lãnh đạo Thành phố đến các xã, phường trong chỉ đạo và hiện thực hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy và của thành phố. Suy cho cùng, cái gốc của vấn đề vẫn là xây dựng thành phố thực sự là “bộ mặt” của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần tích cực tạo “điểm đến” của cả nước trong tương lai.