Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần

Nhiều hoạt động đối ngoại sôi động, đạt kết quả thiết thực; một số chỉ đạo, thông điệp trong các lĩnh vực phòng chống tham nhũng, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ trẻ em... là hoạt động nổi bật của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng trong tuần qua.

 
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongsinh Thammavong
và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Tuyên bố chung về hợp tác Khu vực Tam giác phát triển. Ảnh: VGP

* Trong 2 ngày 24 - 25/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 8 tại Vientiane, Lào.

Việc tham dự Hội nghị lần này đã góp phần củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào. Đồng thời củng cố quan hệ hợp tác toàn diện với Campuchia, cũng như tăng cường phối hợp giữa 3 nước trong triển khai chương trình hợp tác quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội trong Khu vực Tam giác phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong bối cảnh kinh tế khu vực và quốc tế chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, Chính phủ 3 nước cần có những biện pháp triển khai linh hoạt, thiết thực, hiệu quả hơn để tạo đột phá nâng tầm hợp tác. Hội nghị đã nhất trí với đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc nâng cấp và mở rộng khuôn khổ hợp tác Khu vực Tam giác phát triển và giao Uỷ ban điều phối chung xây dựng Đề án về kết nối kinh tế 3 nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu một số biện pháp cụ thể trong phương hướng hợp tác giữa các bên. Đó là, tiếp tục tạo hành lang pháp lý thông thoáng thông qua các chính sách thuế, thủ tục đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp của 3 nước; tập trung thực hiện các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển đến năm 2020, phấn đấu duy trì tăng trưởng GDP (của 13 tỉnh trong khu vực) đạt mức 10%/năm và mức GDP đầu người 1.500-1.600 USD năm 2015; quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong khu vực Tam giác phát triển; tranh thủ thêm nguồn lực từ các quốc gia đối tác phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc,..) và các tổ chức tài chính quốc tế.

* Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp gỡ, hội kiến với lãnh đạo các nước trong khu vực.

Tại buổi hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Choummaly Sayasone, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai tốt các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao và kết quả kỳ họp lần thứ 36 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Lào; chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ 37 của Ủy ban liên Chính phủ trong đầu năm 2015

Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án sử dụng vốn viện trợ, tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật, đồng thời tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương. Hai bên cũng khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, hai Thủ tướng đã nhất trí việc sớm hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định Thương mại mới Việt Nam-Lào, tạo khuôn khổ pháp lý để phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch 2 tỷ USD vào năm 2015.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước; nhất trí quan tâm chỉ đạo việc phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 5 tỷ USD vào năm 2015. Đồng thời, nhất trí hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; tái khẳng định nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này làm phương hại đến an ninh và can thiệp vào công việc nội bộ của nước kia.

Hai bên nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và dành sự đối xử bình đẳng cho kiều dân của nhau như đối với ngoại kiều khác ở mỗi nước; đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ Vương quốc Campuchia trong việc đảm bảo các quyền hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia sinh sống và làm ăn bình thường như những ngoại kiều khác ở Campuchia.

Hội đàm cấp cao Việt Nam-Thái Lan (ngày 27/11). Ảnh: VGP

* Ngày 27/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nhân dịp Thủ tướng Thái Lan thăm chính thức Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã chọn Việt Nam là nước đi thăm chính thức sớm sau khi nhậm chức, coi đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam-Thái Lan; tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng và thiết thực nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Thái Lan.

Hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ, tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, cũng như triển khai tốt các cơ chế hợp tác song phương quan trọng như họp Nội các chung, Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan; rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách hợp tác hiện có, ký kết các thỏa thuận hợp tác mới theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa hai nước, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.

* Tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Hungary Áder János nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác và sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Hungary để triển khai các nội dung hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư, vốn kết quả còn khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của hai bên.

Hai bên đề cập tới việc tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt để sớm hiện thực hóa những thỏa thuận và cam kết giữa hai nước, Việt nam đề nghị Hungary ủng hộ sớm hoàn tất và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU.

* Một nội dung quan trọng của công tác đấu tranh chống tham nhũng là mọi tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Thực tế cho thấy, công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra, tỷ lệ thu hồi thấp, rất khó phát hiện để thu hồi. Đây là thách thức lớn đòi hỏi phải nỗ lực tìm ra giải pháp- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ yêu cầu này tại Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13 với chủ đề "Các giải pháp phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng".

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân của thực trạng đó, đồng thời cũng giới thiệu những thực tiễn tốt, sáng kiến quốc tế có hiệu quả về thu hồi tài sản và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị phù hợp với tình hình Việt Nam.

*Nhân Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nêu rõ: Hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn của xã hội, phá hoại nền sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và gây thất thu ngân sách Nhà nước. Vì vậy, các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường cần đẩy mạnh điều tra, giám sát các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái kết hợp với việc “mua tin” và sử dụng hiệu quả nguồn tin từ các tầng lớp nhân dân nhằm đẩy lùi “vấn nạn” hàng giả, hàng nhái.

* Tại TP. Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phát lệnh hạ thủy khối thượng tầng Giàn công nghệ HRD để Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí có thể chính thức bàn giao, xuất khẩu cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ.

Phó Thủ tướng đánh giá việc hoàn thành, hạ thủy công trình này là một hợp đồng quốc tế lớn mà PTSC tham gia đấu và thắng thầu cạnh tranh, đánh một dấu mốc mới của ngành cơ khí chế tạo lĩnh vực dầu khí. Dự án khẳng định năng lực, vai trò tổng thầu xây lắp cho các dự án dầu khí trên bờ, ngoài khơi, đáp ứng được các nhu cầu kỹ thuật dầu khí chất lượng cao trong nước và vững bước vươn ra khu vực và trên trường quốc tế.

* Chủ trì cuộc họp về kế hoạch xây dựng nông thôn mới tới năm 2020 và điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn liên quan đến Bộ Tiêu chí nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: “Khi ngày càng nhiều xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới nhưng không vì thế là dừng lại mà cần duy trì và nâng cao hơn yêu cầu của các tiêu chí này. Sau 10 năm, 20 năm nữa thì các tiêu chí này vẫn cần được duy trì và phát triển”.

Phó Thủ tướng chỉ đạo phải giải quyết vấn đề cấp bách và lâu dài là môi trường nông thôn đang bị đe dọa; phát triển mô hình sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất ở nông nghiệp-nông thôn; giữ gìn văn hoá, bản sắc nông thôn ở mỗi vùng miền; cân đối nguồn lực đầu tư vào nông thôn nhưng với khu vực miền núi khó khăn thì nguồn lực của Nhà nước đầu tư vẫn là hàng đầu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo đưa vấn đề tín dụng không chỉ cho nông thôn mới mà cả sản xuất nông nghiệp, nông thôn… để thảo luận, kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện. Theo đó, nguồn lực cho nông thôn mới không chỉ phụ thuộc vào vốn ngân sách Nhà nước mà phải từ nguồn tín dụng, đảm bảo nông thôn mới là chương trình của dân, vì dân…

* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh và đánh giá cao ý nghĩa sự kiện do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức với chủ đề “Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh”, trực tiếp gửi đi thông điệp cho cộng đồng DN tại Việt Nam hãy đặt sự quan tâm đến trẻ em thành một việc làm thường trực trong mọi hoạt động kinh doanh; phấn đấu để mọi trẻ em không phải chịu thiệt thòi, có đầy đủ cơ hội phát triển trước tương lai rộng mở.

Phó Thủ tướng cho biết là một nước nghèo và còn rất nhiều trẻ em chưa có điều kiện được chăm sóc như tại các nước phát triển, nhưng Việt Nam luôn từng ngày, từng giờ dành những điều tốt đẹp nhất cho các cháu, cả vật chất, giáo dục, văn hóa và đời sống tinh thần.

Trong những nỗ lực này, cộng đồng DN giữ vai trò rất quan trọng không chỉ đóng góp vào các quỹ từ thiện, hoạt động nhân đạo mà còn tạo ra nhiều của cải vật chất, việc làm cho cộng đồng, tạo điều kiện chăm sóc ngày càng tốt hơn cho trẻ em. Đây là nền tảng đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững, để dân tộc Việt Nam thực sự là dân tộc phát triển trí tuệ, đưa nền văn hiến Việt Nam hòa vào nền văn hóa chung của nhân loại.

* Đổi mới sáng tạo mạnh mẽ sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, bắt kịp các nước trong khu vực và thế giới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ ý kiến này khi tham dự Diễn đàn Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp 2014.

“Dù đang ở vị thế kinh tế rất khiêm nhường nhưng chúng ta cần tự tin vào năng lực sáng tạo trong chính mỗi người. Động lực sáng tạo nằm trong chính dân tộc Việt Nam. Mỗi người hãy tự tin trình bày những ý tưởng mới, cho dù khác thường, và xã hội hãy cổ vũ cho những ý tưởng đó. Đổi mới sáng tạo giúp Việt Nam phát triển để đóng góp chung vào việc giải quyết những vấn đề rất lớn của nhân loại mà bấy lâu nay dường như mọi người nghĩ rằng đấy không phải là việc của các nước nghèo”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Nguồn chinhphu.vn