Chị Bùi Thị Bích Vương, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhị Hà, cho biết: Toàn xã hiện có 730 hội viên, sinh hoạt ở 3 chi hội thôn, đời sống chị em chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò vỗ béo.
Vì vậy, Hội chủ động bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em; rà soát, lên danh sách hội viên có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đã tạo điều kiện cho hàng trăm hội viên vay vốn phát triển kinh tế, với tổng dư nợ trên 2,1 tỷ đồng. Dự án hỗ trợ Tam Nông huyện hỗ trợ 372 triệu đồng cho 38 phụ nữ tham gia mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu, trồng cây lâu năm. Tổ “Phụ nữ tương trợ vay vốn” thuộc Chi hội Phụ nữ thôn Nhị Hà 1 vay 50 triệu đồng từ HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhị Hà 1 và giải ngân cho 51 hội viên vay phát triển kinh tế. Ngoài ra, để huy động tốt nguồn vốn nội lực, giải quyết khó khăn về vốn cho hội viên, từ năm 2009 đến nay, Hội còn nhân rộng mô hình “CLB Phụ nữ thực hành tiết kiệm ống tre Bác Hồ”, với 58 thành viên. CLB mỗi tháng sinh hoạt một lần, mỗi hội viên tiết kiệm 100.000 đồng/tháng, ưu tiên cho 5-7 chị khó khăn vay với lãi suất thấp, sau 4 tháng vay hoàn trả lại vốn.
Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, hằng năm, Hội còn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tốt các lớp tập huấn khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về trồng lúa nước, xoài, thanh long, mãng cầu, trồng mía, nuôi bò, chăn nuôi dê, cừu và giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mở ra hướng làm ăn mới, giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Năm 2014, Hội phối hợp với Công ty TNHH May thêu xuất khẩu Song Nguyễn mở lớp đào tạo nghề thêu tay cho 28 phụ nữ. Sau đào tạo, có 10 học viên nhận hàng về thêu với mức thu nhập bình quân từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng…
Từ nguồn vốn vay và kiến thức đã học, các chị mạnh dạn đầu tư, nhân rộng nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực gồm: bắp, lúa; chăn nuôi dê, bò, cừu... Một số vay vốn phát triển ngành nghề dịch vụ, tổ chức buôn bán nhỏ mang lại hiệu quả kinh tế khá. Đơn cử như chị Đỗ Thị Thủy, là hộ nghèo, ở thôn Nhị Hà 2. Năm 2013, nhờ sự “ưu ái” của “CLB PN thực hành tiết kiệm ống tre Bác Hồ”, chị Thủy được vay hơn 1 triệu đồng từ nguồn quỹ tiết kiệm, gia đình góp thêm vốn, bán thức ăn sáng, nhờ vậy cuộc sống gia đình chị dần đi vào ổn định. Hay như chị Nguyễn Thị Kim Thoa, ở thôn Nhị Hà 2, hai năm trước thuộc diện hộ cận nghèo của thôn. Nhờ sự quan tâm, giúp sức của Hội Phụ nữ xã, chị Thoa được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ Tam nông, gia đình góp thêm vốn mua 4 con bò về nuôi vỗ béo. Nhờ chăm sóc tốt, đàn bò nhà chị phát triển nhanh, gia đình nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nuôi các con ăn học đầy đủ. Bằng những việc làm thiết thực, năm 2014, Hội Phụ nữ xã Nhị Hà đã giúp 22 chị vươn lên thoát nghèo.
Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” gắn với phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai bằng nhiều hình thức thiết thực. Hội đã thành lập 1 CLB “5 không, 3 sạch”, 1 CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, 1 CLB “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi” và 1 CLB “Phụ nữ không có con dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng”. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, xã hội, từ thiện được chị em hưởng ứng nhiệt tình. Điển hình là việc thành lập, duy trì, nhân rộng mô hình CLB “Con heo nhân ái”, hằng tháng vận động hội viên, phụ nữ ủng hộ tiền, quà để thăm hỏi, động viên chị em khi đau ốm, hoạn nạn. Qua đó, góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết, xây dựng Hội vững mạnh, hoạt động có chiều sâu.
Phạm Lâm- Hoàng Hải