Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong buổi sáng 18/11, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu vấn đề: Vừa qua, dư luận, cử tri rất bức xúc trước thông tin tiêu cực trong việc thi tuyển công chức tại Bộ Công Thương. Ngày 28/8/2014, Bộ Nội vụ ra quyết định thanh tra toàn diện về thi tuyển công chức, quản lý biên chế tại Bộ Công thương trong thời gian 45 ngày. Đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị: Bộ trưởng cho biết về kết quả thanh tra, nếu có sai phạm thì xử lý bao nhiêu cán bộ và trách nhiệm Bộ Nội vụ đến đâu?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn. (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: Hiện chúng ta đã thực hiện đổi mới về công tác thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức, thi nâng ngạch.
Đổi mới về thi tuyển có 3 môn thi: Kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành, tin học - ngoại ngữ (môn điều kiện). Quá trình tổ chức thi, Bộ Nội vụ chủ trì biên soạn, hướng dẫn về quy định tiêu chuẩn, thủ tục, tổ chức thi. Đặc biệt, để đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, Bộ kết hợp với một số Bộ, ngành, địa phương triển khai thi một số môn trên máy vi tính, góp phần hạn chế tiêu cực trong thi đầu vào.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, như phản ánh, có một số địa phương xảy ra tiêu cực. Căn cứ theo quy định pháp luật, thi tuyển cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền của Bộ, tỉnh, còn thi tuyển viên chức thì Bộ, tỉnh, thành phố có thể phân cấp xuống trực tiếp cho các đơn vị sử dụng viên chức tổ chức thi, xét tuyển.
"Bộ Nội vụ cũng tổ chức đoàn phối hợp với các Sở Nội vụ, vụ tổ chức cán bộ các nơi, đề nghị các địa phương có sai sót làm rõ các sai phạm và kiến nghị khắc phục, sửa đổi. Vừa qua, một số địa phương, đơn vị đã thực hiện xử lý kỷ luật các trường hợp vi phạm” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
Vấn đề sai sót ở Bộ Công Thương, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, do tình hình thực tế, mặc dù thanh tra đột xuất, nhưng thanh tra ở Bộ Công Thương không chỉ riêng quản lý thị trường mà với tất cả đơn vị trực thuộc, nên đang trong gian đoạn hoàn thành hồ sơ để trao đổi, thống nhất và ban hành kết luận thanh tra. Do quy mô, đối tượng và phạm vi rộng, nên chưa thể thực hiện theo quy định 45 ngày mà phải gia hạn để thanh tra.
Trước thực trạng lạm phát cấp phó kéo dài, làm bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) yêu cầu Bộ Nội vụ giải trình nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho hay: Quy định số lượng cấp phó trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được thể hiện qua các văn bản. Về thứ trưởng, có quy định cơ động, 1 bộ, cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng. Nếu cơ quan ngang bộ muốn tăng thứ trưởng thì cơ quan đó có đề án báo cáo lên cấp trên. Bộ Nội vụ đã nhiều lần đề nghị, nên có quy định "cứng" về số thứ trưởng để không có sự bàn cãi, nhưng qua thảo luận, bỏ phiếu thì không quá bán.
"Thực tế, cấp bộ quy định có 4 thứ trưởng (quy định "mềm"), nhưng bình quân là 5,4; tổng cục quy định 3 phó, nhưng thực tế là 3,69; cấp vụ quy định là 3, bình quân là 3,04; cấp sở là 3, bình quân là 3,06” - Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận: Bổ nhiệm quá nhiều cấp phó sẽ gây lãng phí ngân sách và hiện một số cơ quan, tổ chức có quá nhiều cấp phó mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nguyên nhân do sức ép của công việc, nền hành chính họp hành nhiều; đặc thù một số ngành cần cán bộ thực hiện chức năng được giao, chưa kể một số ngành đòi hỏi nhiều cấp phó do công việc quá nặng, đòi hỏi lãnh đạo trực tiếp thực hiện...
Công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của tỉnh quyết định. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có thiếu sót sẽ kiến nghị, đề nghị, nếu không được thực hiện, sẽ báo cáo Thủ tướng để có hướng xử lý. Trên thực tế, việc bổ nhiệm cán bộ có một số trường hợp thiếu tính gương mẫu. Tập thể cán bộ thiếu tính chiến đấu, thực hiện các quy định không nghiêm.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: Nếu quy định của pháp luật chưa rõ, chưa quy định "cứng" thì Bộ sẽ phối hợp với các cấp có thẩm quyền để làm rõ. Nếu đã quy định "cứng" thì yêu cầu phải thực hiện nghiêm. Giải pháp mạnh là cần có đề án tổng thể với sự tham gia của nhiều Bộ, ban, ngành.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) về việc người có năng lực không muốn vào làm cho Nhà nước, nếu có vào làm rồi lại đi khỏi khu vực nhà nước ngày càng nhiều. Người kém năng lực vào nhiều, dẫn đến tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”; công chức lười nhác, trình độ kém nhưng muốn làm lãnh đạo. Đây có phải là nguyên nhân dẫn tham nhũng gia tăng?, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, có tình trạng trên là do sử dụng cán bộ, công chức chưa đúng năng lực; cơ chế thưởng - phạt chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; chế độ tiền lương và đãi ngộ chậm cải thiện; việc tuyển dụng đầu vào chưa thực sự đáp ứng nhiệm vụ, chưa tuyển được người có năng lực, tâm huyết.
Các giải pháp Bộ Nội vụ đưa ra để khắc phục tình trạng trên là: Đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc cấp trên trực tiếp quản lý, đánh giá cấp dưới; sử dụng người có tài năng, năng lực làm việc; thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giản biên chế với những người không làm được việc; chỉ tuyển dụng người có tài năng, phẩm chất...
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết thêm: Bộ Nội vụ được Bộ Chính trị giao xây dựng Đề án về sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo tuyển được 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang.
Trả lời thắc mắc của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: Lạm phát cấp phó có mối liên hệ với việc bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu, Bộ tham mưu cho Chính phủ như thế nào để khắc phục tình trạng này?, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Về biện pháp, Bộ Nội vụ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về vấn đề này; ban hành chương trình hành động triển khai có hiệu quả chỉ thị này, trong đó, thực hiện công khai, minh bạch công tác cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy lùi tiêu cực; người đứng đầu của cơ quan, đơn vị gương mẫu, thực hiện chặt chẽ công vụ...
Về tình trạng kéo dài tuổi nghỉ hưu trái Luật hiện nay, đặc biệt là không thôi chức vụ quản lý khi được kéo dài nghỉ hưu và giải pháp để kiểm soát vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Bộ đã vào cuộc kiến nghị các bộ, ngành theo đơn vị quản lý thực hiện đúng. Đến nay, qua rà soát tại 26 bộ, ngành, 54 địa phương, 22 tập đoàn, còn khoảng 100 trường hợp đến tuổi nghỉ hưu kéo dài. Thời gian tới, Bộ tiếp tục đôn đốc để các cơ quan thực hiện đúng quy định.
Trước đó, mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, giải đáp thắc mắc về vấn đề đẩy lùi tình trạng buôn lậu; tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo giải trình thêm về quản lý giá, biện pháp bình ổn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tham gia trả lời bổ sung về vấn đề công nghiệp phụ trợ./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam