Thảo luận tại Hội trường, đa số các ý kiến tán thành với chủ trương xây dựng sân bay Long Thành trong bối cảnh nước ta cần có một Cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án
Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: TTXVN)
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), việc xây dựng sân bay Long Thành vừa cần thiết vừa cấp thiết bởi đây là 1 dự án mang tính chiến lược, tạo cú hích mạnh mẽ phát triển cho ngành hàng không dân dụng nói riêng và ngành giao thông vận tải nói chung.
Chỉ ra sân bay Long Thành ở vị trí trung tâm sẽ phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống hạ tầng giao thông mới được đầu tư xây dựng, kết nối đồng bộ với 1 số tuyến đường cao tốc, kết nối sông Đồng Nai, cảng biển Vũng Tàu và sắp tới là dự án đường sắt đô thị và cả đường sắt quốc gia, ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng đây là dự án cần thiết vì tạo động lực lan tỏa phát triển vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ, vùng lõi kinh tế của TP Hồ Chí Minh.
Lý giải cho tính cấp thiết, ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng nếu Việt Nam không có cảng hàng không trung chuyển thì hàng không dân dụng sẽ bị phụ thuộc, ảnh hưởng đến vị thế và khả năng phát triển. Trong khi, sân bay Tân Sơn Nhất trong vài năm tới sẽ trở lên quá tải, việc mở rộng sân bay này là gần như bất khả thi. Ngoài ra, vùng bay Tân Sơn Nhất bị hạn chế về an toàn hàng không, chồng lấn vùng bay với sân bay Biên Hòa, cho nên có giải quyết được bài toán dưới đất thì vẫn còn vướng mắc với vấn đề quá tải trên trời.
Tuy nhiên, theo ĐB Phi Thường, những lo lắng của ĐBQH và nhân dân thời gian qua cũng có căn cứ vì đâu đó vẫn còn vết gợn như dùng đất trống cạnh sây bay Tân Sơn Nhất để làm sân golf, đó cũng là món nợ của quốc gia hay thực tế chúng ta quản lý chưa hiệu quả đầu tư công, tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực này chưa được ngăn chặn. Chất lượng dịch vụ hàng không của 2 sân bay lớn nhất đất nước cũng là vấn đề mà Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) đang phải xắn tay vào giải quyết. Tuy nhiên, “không thể vì những điều trên mà chúng ta không đầu tư và không đầu tư thì chúng ta sẽ không phát triển được, đặc biệt đối với những dự án cấp thiết và mang tính chiến lược, có tác động lan tỏa và phát triển kinh tế”, ĐB Phi Thường nói..
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng cho rằng, nếu muốn cạnh tranh với các sân bay khu vực như: Thái Lan, Singapore thì không thể lấy sân bay Tân Sơn Nhất để cạnh tranh được vì cơ sở hạ tầng yếu kém như báo cáo đã nêu, nếu có làm thì phải chăng cũng chỉ là cải tạo mang tính chắp vá. Như vậy, việc sân bay Long Thành là cần thiết bởi “khi ta chạy thì họ cũng chạy chưa kể xuất phát từ đâu, bởi họ đã xuất phát từ lâu nên không có chuyện đầu tư để đón đầu. Bây giờ bàn việc xây dựng sân bay Long Thành là trễ rồi”, ĐB Bá Thuyền nói.
Cũng theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, sân bay Long Thành không chỉ giải quyết về ngắn hạn mà về lâu dài mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Do đó, dự án cấp thiết và cần thiết phải triển khai ngay vì công tác chuẩn bị đầu tư phải ngay từ bây giờ, bởi 8-10 năm nữa mới đưa vào sử dụng được.
Để xem hiệu quả đến đâu, theo ĐB Thuyền, cần phải đi sâu vào phân tích, có con số cụ thể trong báo cáo tiền khả thi. “Tôi kiến nghị Quốc hội sớm thông qua chủ trương đầu tư, để Chính phủ tập trung hướng tiếp theo, từ đó có giải pháp để triển khai càng nhanh càng tốt. Không triển khai ngay từ bây giờ thì không còn khả năng cạnh tranh và nếu không thì sẽ lỡ nhịp”, ĐB Thuyền bày tỏ.
Dù tổng nguồn vốn đổ vào xây dựng sân bay Long Thành là khá lớn, tới 18,7 tỷ USD và nhiều ý kiến ĐB bày tỏ sự lo lắng “nợ công đang cận kề ngưỡng vượt trần thì lấy tiền đâu ra mà xây dựng?”, nhưng ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) bày tỏ sự tự tin, “đừng sợ vì nợ mà không làm gì cả, cái chính là thu xếp khả năng trả nợ như thế nào”.
Chia sẻ việc bấm nút thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành là một quyết định khó khăn của ĐBQH, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho hay: “Nếu đồng ý chủ trương làm mà không hiệu quả thì rất áp lực. Nhưng nếu không làm quá tải sân bay thấy ra rồi “kẹt”, trách nhiệm cũng nặng nề”.
Là người có kinh nghiệm tham gia quy hoạch vùng quy hoạch trọng điểm kinh tế phía Nam, ĐB Lịch khẳng định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam này bắt buộc phải có 1 sân bay quốc tế thứ 2 không phải là Tân Sơn Nhất. Với tất cả nguồn lực, sân bay Long Thành là nối kết toàn bộ giao thông đô thị vùng này.
Tuy nhiên, cũng như nhiều ĐB khác, ĐB Trần Du Lịch đặt câu hỏi: “Chủ trương làm là cần thiết nhưng cấp thiết chưa?”. Ở đây, theo ĐB Lịch, vấn đề đầu tiên cần xem xét và làm rõ là sân bay Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất lên 35- 40 triệu hành khách hay 25 triệu là tối đa một cách minh bạch và rõ ràng?. Nếu sân bay Tân Sơn Nhất không thể mở rộng về không lưu, năng suất, thì vấn đề xây dựng sân bay Long Thành là vấn đề bất khả kháng.
Mặt khác, nếu làm với quy mô 5.000 ha ở Long Thành thì giải tỏa 1 lần hay nhiều lần, cần phải làm rõ bởi liên quan đến số tiền giải phóng mặt bằng 18 nghìn tỷ đồng.
Theo ĐB Trần Du Lịch, trong đề án nói nhiều đến sân bay trung chuyển quốc tế trong tương lai, song phải tính toán nhiều phương án, giai đoạn 1, giai đoạn 2, tối đa cỡ nào, thì đề án khả thi phải trả lời, đừng để dư luận cho rằng tính số lượng khách trung chuyển “đếm cua trong hang” . “Tôi nghĩ rằng đây là địa bàn cạnh tranh khu vực và quốc tế, nếu chúng ta quản lý tốt chúng ta có thể kỳ vọng. Có chủ trương và đề án khả thi thì Quốc hội quyết định có đầu tư hay không, chứ không phải Quốc hội thông qua chủ trương là đã quyết đầu tư”, ĐB Lịch nói.
Bày tỏ nỗi trăn trở, xót xa khi đến sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, là cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất nhưng những sân bay này không chỉ nhỏ hẹp về quy mô mà xuống cấp nghiêm trọng với chất lượng dịch vụ kém, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, việc xây dựng sân bay Long Thành hoàn toàn xứng đáng với tầm cỡ khu vực không chỉ là đòi hỏi bức thiết về việc cơ sở hạ tầng cho tăng trưởng mà còn là niềm tự hào sâu xa của mỗi người dân Việt Nam. Khẳng định chủ trương đầu tư xây dựng dự án là đúng, cần thiết và nhất thiết phải tiến hành. Song, theo ĐB Huỳnh Nghĩa vấn đề lớn nhất và quan trọng nhất là thời điểm xây dựng, nguồn vốn và yếu tố kỹ thuật của dự án. “Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm chua xót về việc triển khai những dự án lớn nhưng thiếu đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học nên hiệu quả không như mong đợi. Theo tôi, phải xây dựng càng hàng không Long Thành nhưng chưa phải thời điểm hiện nay bởi đây là dự án cần thiết nhưng chưa thật cấp thiết”, ĐB Huỳnh Nghĩa nói.
Về số tiền đầu tư 18,7 tỷ USD, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng đây lại một câu hỏi rất lớn đặt ra?. “Tôi chia sẻ với cách tính của Bộ GTVT về tổng mức và phân kỳ đầu tư nhưng vấn đề hiệu suất đầu tư chưa được làm rõ nhất là trong tình hình hiện nay bội chi ngân sách lớn, kéo dài nợ công gần như chạm đỉnh”, ĐB Huỳnh Nghĩa chia sẻ.
Theo phân tích của ĐB Huỳnh Nghĩa, nếu nợ công quốc gia chia đều trên đầu người thì bình quân mỗi người dân Việt Nam phải gánh thêm 900 USD, đây là con số không nhỏ. Đồng thời, chất lượng tăng trưởng kinh tế và khả năng thanh toán nợ công đang là vấn đề cốt tử đòi hỏi một quốc gia khi quyết định đầu tư vào một dự án lớn cần hết sức cân nhắc. Hiện nay, tình hình kinh tế đất nước chưa cho phép tập trung đầu tư vào một nguồn vốn khổng lồ như vậy, trong khi có quá nhiều vấn đề cần xã hội quan tâm như: dự án đường giao thông nông thôn, tiền lương, xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp, nông dân…
“Khi chưa có tiền tăng lương cho những người ngày đêm làm việc cần mẫn thì chưa nên đầu tư xây dựng sân bay Long Thành”, ĐB Nghĩa thẳng thắn nói.
ĐB đề nghị Bộ GTVT nên khảo sát và có luận giải thuyết phục hơn về công năng của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay và trong thời gian 15-20 năm nữa. Đặc biệt, đề nghị Bộ trưởng trả lời cho cử tri vì sao sân bay Tân Sơn Nhất thiếu đất mà lại lấy 160 ha trong chính sân bay này để xây dựng sân gofl?. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT làm thật tốt khâu chuẩn bị, đặc biệt là khả năng kêu gọi đầu tư nguồn vốn ngân sách, chọn thiết kế chất lượng quốc tế, đội ngũ nhân viên chất lượng phục vụ cao nhất... “Như vậy, 15 -20 năm nữa không phải là quá dài để bảo đảm xây dựng một siêu dự án sân bay Long thành trở thành hiện thực”, ĐB Huỳnh Nghĩa nói./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam