CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI HỘI KIẾN TRÚC SƯ TỈNH NINH THUẬN LẦN THỨ II:

Thúc đẩy kiến trúc phát triển hiện đại, thân thiện môi trường và mang sắc thái địa phương

(NTO) Giai đoạn 2010-2015 đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của tỉnh nhà. Theo đà tăng trưởng kinh tế, hạ tầng đô thị được chú trọng phát triển đồng bộ, việc hình thành tuyến đường ven biển dài hơn 105 km đã mở ra một tiềm năng to lớn trong khai thác phát triển du lịch và đô thị biển cao cấp phía Bắc và phía Nam của tỉnh.

Phạm Văn Hậu
Bí thư Huyện ủy Ninh Phước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm dần khoảng cách với khu vực thành thị. Những bối cảnh trên đã tác động mạnh mẽ đến môi trường hành nghề, xu hướng kiến trúc và nhận thức của giới kiến trúc sư (KTS) trong tỉnh. Nhìn lại nhiệm kỳ qua, có thể thấy rõ sự phát triển nhanh về mặt tổ chức của Hội KTS tỉnh. Từ 31 hội viên vào năm 2010, đến nay Hội đã quy tụ được 46 hội viên, trong đó có 30 KTS là hội viên chính thức Hội KTS Việt Nam. Hầu hết hội viên là những KTS trẻ, tâm huyết với nghề nghiệp và quê hương, có 9 KTS là đảng viên, 17 KTS làm công tác quản lý nhà nước, còn lại đều tham gia các tổ chức tư vấn. Với ý thức tự nguyện gia nhập Hội KTS của đội ngũ KTS trẻ ở tỉnh nhà đã tạo nên không khí mới sinh động, đầy nhiệt huyết sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp của Hội KTS. Điều này thể hiện qua việc Hội chú trọng nâng cao chuyên môn về công tác quy hoạch nhằm nâng chất lượng các đồ án quy hoạch đô thị và nông thôn, từng bước đổi mới bộ mặt cảnh quan, góp phần đưa đô thị, nông thôn thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong phát triển nhà ở, Hội KTS tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc thi sáng tác kiến trúc nhà ở cho đồng bào dân tộc, tham gia xây dựng mẫu nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo theo Chương trình 167.

Phối cảnh Khu trung tâm hành chính tỉnh do thành viên Hội KTS tỉnh
phối hợp với đơn vị tư vấn liên doanh Nihon Sekkei-CONINCO Nhật Bản thực hiện.

Là thành viên quan trọng trong Hội đồng Quy hoạch kiến trúc của tỉnh, trong thời gian qua, Hội KTS tỉnh tham gia góp ý, phản biện hầu hết các đồ án quy hoạch xây dựng và các cuộc thi kiến trúc trên địa bàn tỉnh như: quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và các huyện, quy hoạch các huyện lỵ, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị mới, quy hoạch nông thôn mới các huyện… Các góp ý và phản biện của Hội luôn xác thực, khoa học góp phần vào việc hoàn chỉnh các định hướng, ý đồ tổ chức không gian cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn. Hội KTS tỉnh đã tham gia xét cấp 512 chứng chỉ, trong đó gồm: 25 chứng chỉ hành nghề KTS; 26 chứng chỉ hành nghề kỹ sư; 151 chứng chỉ hành nghề thiết kế và 310 chứng chỉ giám sát. Từ năm 2010 đến nay, thông qua 43 đơn vị tư vấn, các hội viên tham gia quy hoạch tư vấn thiết kế hầu hết các công trình và hạng mục công trình dân dụng, công nghiệp, nhà ở, tham gia các cuộc thi tuyển trong nước và quốc tế trên địa bàn. Qua thực tiễn hoạt động, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức các hội viên đã được nâng cao, có năng lực đóng góp thiết thực và hiệu quả cho công tác xây dựng và kiến trúc của tỉnh.

Mô hình Khu đô thị mới K1 Đông Bắc, phường Thanh Sơn - Mỹ Bình. Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Bằng nhiệt huyết và chuyên môn của mình, thời gian qua, Hội KTS tỉnh đã cống hiến cho sự phát triển tỉnh nhà, góp phần xây dựng, định hình và phát triển kiến trúc tỉnh ta nói riêng và sự nghiệp kiến trúc cả nước nói chung. Ghi nhận những đóng góp đó trong nhiệm kỳ, Hội KTS Việt Nam đã tặng bằng Vì sự nghiệp kiến trúc Việt Nam cùng Kỷ niệm chương cho 5 KTS và tặng Bằng khen của Hội KTS Việt Nam cho 7 KTS; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho tập thể Hội KTS tỉnh vì có nhiều thành tích góp phần phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2014 và Sở Xây dựng tặng Giấy khen cho 1 KTS có thành tích xuất sắc trong đóng góp phát triển ngành Xây dựng giai đoạn 2010-2015.

Bước sang nhiệm kỳ II (2015-2020), Hội KTS tỉnh xác định mục tiêu tổng quát là tiếp tục thúc đẩy và xây dựng kiến trúc tỉnh nhà phát triển, hiện đại nhưng thân thiện môi trường và mang sắc thái riêng của địa phương, bắt kịp các xu hướng phát triển kiến trúc của khu vực và thế giới. Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ chủ yếu của Hội là tiếp tục thực hiện phương châm kiến trúc gắn với xã hội, tổ chức vận động KTS tham gia hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà; làm tốt công tác tư vấn, phản biện góp ý QH, kiến trúc, tham gia vào họat động quản lý, xây dựng đô thị và nông thôn. Tiếp tục thúc đẩy, phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, địa phương trong phát triển kiến trúc xanh, đưa kiến trúc xanh trở thành một trong những yếu tố đặc thù của kiến trúc Ninh Thuận, một vùng khô hạn nhất cả nước.

Theo đó, về mặt tổ chức, Hội KTS tỉnh thực hiện đổi mới phát triển toàn diện, tăng cường các hoạt động cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn thông qua các lớp đào tạo, các cuộc hội thảo chuyên đề và nâng cao hoạt động công tác tư vấn phản biện theo hướng chuyên sâu. Trọng tâm trong nhiệm kỳ đến, Hội KTS tỉnh sẽ nghiên cứu phương thức hoạt động mới để khắc phục những tồn tại của công tác kiến trúc, quy hoạch và hoạt động, hướng đến mục tiêu vì một nền kiến trúc hiện đại, bản sắc, góp phần xây dựng, phát triển tỉnh nhà theo hướng văn minh, hiện đại.