Chỉ tính riêng trong năm học 2013-2014, tỉnh ta có 135 học sinh đạt giải HSG các môn văn hóa và giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh; 13 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn HSG cấp Quốc gia. Ngoài ra, trong các kỳ thi Olympic truyền trống 30-4, thi HSG Toán, Tiếng Anh trên Internet... cũng đã có nhiều giải cao. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng giải HSG quốc gia của tỉnh ta các năm qua không ổn định và vẫn còn “khiêm tốn” so với các tỉnh khác trong cả nước.
Giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi Văn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Theo đồng chí Lương Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn ngang tầm để bồi dưỡng đội tuyển HSG tham dự kỳ thi cấp quốc gia còn thiếu; chế độ, chính sách ưu đãi cho cả người dạy và người học đều chậm thay đổi, chưa tương xứng; chất lượng tuyển chọn HSG chưa cao; học sinh vừa tham gia lớp bồi dưỡng cấp tỉnh, vừa học chương trình chính khóa và đi học thêm nên lượng kiến thức tiếp thu quá tải, khả năng ghi nhớ và sự chuyên tâm cho kỳ thi còn nhiều hạn chế...
Thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân tài cho tỉnh và cả nước, trong những năm qua, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã được ưu tiên đầu tư, trang bị khá đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, tâm huyết. Tuy nhiên, giáo viên làm công tác bồi dưỡng HSG hiện nay vẫn không được hưởng chế độ cho dù việc dạy bồi dưỡng HSG được thực hiện ngay cả trong dịp nghỉ hè. Một nguyên nhân nữa dẫn đến chất lượng HSG tỉnh ta chưa cao, đó là học sinh vẫn chưa “mặn mà” với các kỳ thi chọn HSG. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì các em còn phải chịu áp lực từ chương trình học chính khóa và mục tiêu vào đại học. Đây cũng là lý do khiến đa số học sinh chọn môn thi HSG với mục tiêu chính là theo các môn có nhiều lựa chọn cho các khối thi tuyển vào đại học như: Toán, Lý, Hóa... Cô giáo Phạm Thị Nhung, giáo viên bồi dưỡng HSG môn Địa lý, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cho biết, vì trường hiện không có lớp chuyên Địa lý nên ngay việc chọn học sinh vào đội tuyển cũng đã rất khó khăn. Địa lý là một trong những môn ít có lựa chọn cho các khối thi tuyển vào đại học nên vào đội tuyển rồi các em cũng chỉ học vì niềm đam mê với môn học chứ chưa có động lực để theo đuổi. Địa lý cũng như các bộ môn khác, học sinh tham dự kỳ thi chọn HSG quốc gia đa số là lớp 10, lớp 11 nên lượng kiến thức toàn cấp THPT chưa đủ đáp ứng yêu cầu của kỳ thi. Lên đến lớp 12, khi các em đã khá “vững vàng” thì đa số phải bỏ đội tuyển để tập trung cho luyện thi Đại học. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến môn Địa lý chưa đạt giải HSG quốc gia nào kể từ năm 2011 đến nay.
Đồng chí Lương Hồng Sơn cho biết thêm, để có thể đạt được kết quả cao hơn nữa trong trong các kỳ thi chọn HSG quốc gia, Sở GD&ĐT đã và đang chỉ đạo Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tập trung, đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ HSG bằng các giải pháp cụ thể như: đổi mới công tác tuyển sinh để tạo nguồn các đội tuyển HSG; rà soát và tìm ra những bất cập, hạn chế trong việc xây dựng và soạn giảng chương trình bồi dưỡng HSG; tham khảo ý kiến của học sinh đã tham dự kỳ thi chọn HSG quốc gia để xây dựng các giải pháp khắc phục có hiệu quả, cung cấp vững chắc kiến thức nền, tạo tiền đề cho học sinh tiếp cận với yêu cầu kiến thức của kỳ thi chọn HSG quốc gia; huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài nhà trường để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng HSG; tạo điều kiện và ưu tiên trong học tập để động viên, khuyến khích học sinh tham gia thi chọn HSG; có kế hoạch, chương trình dạy học chính khóa phù hợp với đội tuyển học sinh tham dự các kỳ thi chọn HSG.... Bên cạnh đó, các phòng chức năng thuộc Sở GD&ĐT cũng có sự vào cuộc, phối hợp thực hiện như Phòng Giáo dục trung học: Chủ trì và phối hợp xây dựng nội dung bồi dưỡng HSG tham dự kỳ thi quốc gia; Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục: thường xuyên phổ biến kịp thời những vấn đề mới, những nội dung thay đổi về quy định và phương thức tổ chức thi chọn HSG quốc gia; theo dõi và đánh giá kết quả thi chọn HSG quốc gia THPT các năm để khuyến nghị điều chỉnh nội dung giảng dạy cho phù hợp. Phòng Kế hoạch và Tài chính: bố trí đủ nguồn ngân sách để đầu tư, nâng cấp và bổ sung tài liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy định về chế độ ưu đãi có liên quan...
Rõ ràng, kết quả sau mỗi kỳ thi HSG không chỉ là kết quả nỗ lực của bản thân mỗi học sinh và giáo viên làm công tác bồi dưỡng mà còn cần phải có sự phối hợp, tạo điều kiện cũng như động lực từ gia đình và nhà trường. Với sự nỗ lực và nhiều giải pháp mới của ngành GD&ĐT, hy vọng trong những kỳ thi chọn HSG các cấp thời gian tới, tỉnh ta sẽ gặt hái thêm được nhiều thành công mới.
Bích Thủy