|
Trượng Ngọc Anh Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh |
Trượng Ngọc Anh
Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh
Trong 5 năm qua, thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, nhìn chung hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu phục vụ sản xuất, hỗ trợ đời sống vùng đồng bào DTTS đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đã đạt khoảng 12 triệu đồng/năm (52% bình quân cả tỉnh).
Thực hiện Quyết tâm thư và Chương trình hành động của Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần I, đến nay cơ bản các thôn, xã vùng đồng bào DTTS đều có đường giao thông nông thôn đi lại thuận tiện và có hệ thống phát thanh và truyền hình được phủ sóng. 100% xã có trạm y tế, trường trung học cơ sở; 100% thôn có nhân viên y tế hoạt động, có trường học hoặc điểm học mẫu giáo và tiểu học, điện lưới quốc gia và có 90% số hộ sử dụng điện thắp sáng; 60% xã có công trình nước sinh hoạt. Các chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội được triển khai tương đối hiệu quả; hàng năm giải quyết việc làm mới cho trên 4.200 lao động. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đã hỗ trợ xây dựng trên 3.000 ngôi nhà cho người nghèo, hộ chính sách DTTS, góp phần xóa bỏ tình trạng nhà tạm trên địa bàn.
Các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, các công trình di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS. Công tác giáo dục đào tạo được quan tâm đầu tư đã nâng cao chất lượng học tập và duy trì học sinh đến lớp. Các chính sách ưu đãi cho giáo viên, chế độ hỗ trợ ăn trưa, hỗ trợ học tập cho học sinh DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... được triển khai đầy đủ, kịp thời. Công tác đào tạo, tuyển dụng, chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS được chú trọng. Chính sách cử tuyển cho con em DTTS đi đào tạo được duy trì thường xuyên. Hàng năm đều thực hiện tốt các chính sách y tế, nhất là việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách. Tình hình an ninh trật tự bảo đảm; niềm tin của đồng bào DTTS vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được giữ vững.
Với chủ đề “Cộng đồng các dân tộc trong tỉnh thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng xây dựng quê hương Ninh Thuận giàu đẹp, văn minh”, từ bài học kinh nghiệm 5 năm qua, trong phương hướng thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2014-2019, Đại hội lần này đã đề ra mục tiêu đưa kinh tế vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, sớm thoát tình trạng kém phát triển; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Mục tiêu cụ thể là:
Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng lên gấp 2 - 3 lần so với hiện nay. Hàng năm giảm 3 - 4% hộ nghèo DTTS, riêng Bác Ái giảm 4 - 5%. Hỗ trợ 80% hộ nghèo DTTS về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; xây dựng 11 công trình nước sinh hoạt tập trung và duy tu bảo dưỡng 10 công trình. Lao động trong độ tuổi người DTTS được bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đạt trên 50%, trong đó 20% được đào tạo nghề. 100% trục đường liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa và trên 50% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật được quy định trong chương trình xây dựng nông thôn mới. 100% trạm y tế có bác sỹ.
Để thực hiện mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào DTTS hiểu và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, các chính sách dân tộc và pháp luật của Nhà nước.
Hai là, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống cho người dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình 135, 30a, Quyết định 755/QĐ- TTg, chính sách tín dụng …
Ba là, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách giáo dục vùng đồng bào DTTS.
Bốn là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, các chính sách khuyến khích xã hội hoá vào vùng đồng bào DTTS, nhất là chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, phát triển các chuỗi giá trị thế mạnh của vùng như: heo đen, dê, cừu, bò... Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp theo các chương trình nông thôn mới, dự án hỗ trợ tam nông.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hoá của các dân tộc.
Sáu là, tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS; quan tâm xây dựng, chăm lo, đãi ngộ đối với cán bộ DTTS, cán bộ làm công tác dân tộc, các vị chức sắc tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng.
Ông Chamaléa Tiếp
Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Bác Ái"
Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số là cơ hội để cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh tăng cường khối đoàn kết, gắn bó hơn, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau vươn lên phát triển kinh tế, chung tay góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày thêm giàu đẹp. Qua mỗi kỳ Đại hội, tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam càng thắt chặt hơn nữa. Trong thời gian qua, từ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, dự án được đầu tư trên địa bàn huyện Bác Ái, đã tạo điều kiện rất nhiều cho bà con đồng bào DTTS vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Tin rằng, qua Đại hội lần này, tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể hơn nữa, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tập trung hướng đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS để tạo điều kiện cho người dân vươn lên xây dựng đời sống no ấm.
Ông Lâm Phi
Đại biểu người Hoa, (Khu phố 3, phường Mỹ Hương, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm):Tôi cũng như nhiều bà con người Hoa trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm hết sức phấn khởi vì thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách mới, trong đó có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào các DTTS. Điều này giúp cộng đồng người Hoa nói riêng và cộng đồng các DTTS nói chung có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Lần đầu tiên tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh, tôi rất vinh dự. Tôi mong rằng, Đại hội lần này sẽ đề ra nhiều giải pháp thực hiện các chính sách trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tạo điều kiện để đồng bào các DTTS trong tỉnh nâng cao đời sống; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Ông Thành Thanh Tâm
Trưởng Ban Hakem Thánh đường Islam, thôn Phước Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải):Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào Chăm nói riêng và cộng đồng các DTTS trong tỉnh nói chung có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa … Tôi mong rằng các chính sách này tiếp tục được duy trì và mở rộng hơn nữa như: tăng chỉ tiêu cho học sinh là dân tộc Chăm vào trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và dự bị đại học; quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những người am hiểu bản sắc văn hóa, phong tục của dân tộc mình; tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các dân tộc trong tỉnh để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân … Bên cạnh việc tạo điều kiện để đồng bào Chăm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cùng cộng đồng các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh.
Ông Bá Bình Lợi
Dân tộc Chăm, (thôn Phước Đồng 1, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước):Có thể nói, đời sống đồng bào Chăm ớ các khu dân cư ngày càng khởi sắc và vươn lên đáng kể. Hạ tầng điện, đường, trường học, trạm y tế, hệ thống nước sinh hoạt đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư đến tận vùng sản xuất, nhờ đó, bà con mạnh dạn áp dụng khoa học-kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đời sống được nâng lên, người dân có điều kiện tham gia, đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, giữ gìn an ninh trật tự trong thôn, xóm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần này, tôi tin rằng, Đại hội sẽ đề ra những nhiệm vụ và giải pháp hiệu quả nhằm củng cố và phát huy sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh. Về bản thân, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng, tôi sẽ tuyên truyền đến bà con những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người dân và nội dung, nhiệm vụ Đại hội lần này để người thân và bà con nơi cư trú cùng nhau thực hiện.
Ông Jơ Ngó Ha Hoàng,
Bí thư Chi bộ thôn Tầm Ngân 1 (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn)Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp, ngành nên đời sống của bà con thôn Tầm Ngân 1 đã có những chuyển biến tích cực trong những năm qua. Đa số các hộ khi thoát nghèo đều ổn định về đất sản xuất và có vật nuôi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do kinh nghiệm và điều kiện phát triển sản xuất của người dân vẫn còn hạn chế nên đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Qua Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số lần này, tôi mong rằng Đảng, Nhà nước, các ban, ngành trong tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thêm nhiều chính sách về xây dựng kết cấu hạ tầng đường nông thôn, sân phơi; các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân như chương trình vay vốn, tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để bà con có điều kiện áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Nhóm PV
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG TỈNH
Trường Tiểu học Chất Thường được đầu tư xây dựng mới trong năm học 2014-2015
phục vụ việc học tập cho con em đồng bào Chăm xã Phước Hậu (Ninh Phước).
Đồng bào Raglai xã Phước Thành (Bác Ái) được
đào tạo nghề đan lát tăng thu thu nhập, ổn định cuộc sống.
Chợ phiên xã Công Hải (Thuận Bắc) nơi giao lưu, mua bán của đồng bào dân tộc Raglai địa phương.
Văn hóa đồng bào Raglai luôn được lưu giữ, phổ biến trong cộng đồng.
Trong ảnh: Nghệ nhân xã Ma Nới (Ninh Sơn) biểu diễn nhạc cụ truyền thống Chiêng ba.
Đường giao thông nông thôn xã Phước Hậu (Ninh Phước) được bê-tông hóa phục vụ
việc đi lại và sản xuất của bà con.
Trạm Y tế xã Phước Hà (huyện Thuận Nam) “điểm đến tin cậy” của đồng bào dân tộc
thiểu số địa phương.
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong tỉnh được bảo tồn và phát huy.
Trong ảnh: Múa quạt - điệu múa truyền thống của người Chăm.
Đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng,
tăng thu nhập... là nỗ lực của ngành chức năng và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp của đồng bào Chăm thôn Hữu Đức
(xã Phước Hữu, Ninh Phước)
Đến nay, trên 90% người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã sử dụng điện lưới quốc gia.
Trong ảnh: Nâng cấp lưới điện vùng đồng bào Chăm xã Xuân Hải (Ninh Hải)
Chăn nuôi bò là thế mạnh phát triển kinh tế gia đình của nhiều nông hộ dân tộc thiểu số.
Trong ảnh: Đàn bò Phước Thành. Ảnh: Sơn Ngọc, Văn miên