Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết: Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành tập hợp, rà soát và xây dựng danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo nguyên tắc: Rà soát, loại bỏ các quy định trùng lặp tại danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, danh mục lĩnh vực cấm đầu tư theo Luật Đầu tư, danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo Luật Thương mại và các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đồng thời hợp nhất các danh mục này để quy định các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Luật Đầu tư. Một số ý kiến đề nghị sửa đổi khái niệm nhà đầu tư nước ngoài cho phù hợp hơn và bổ sung khái niệm về nhà đầu tư trong nước...
Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.
Sau khi xem xét, cân nhắc Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật (bãi bỏ 36 ngành, nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ trùng lặp giữa 03 Danh mục; bãi bỏ 9 ngành, nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ và chuyển sang quy định các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ngành, nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ này) và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật). Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với các ngành, nghề này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và được công bố công khai trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định của Chính phủ.
Theo dự thảo Luật, các hoạt động cấm đầu tư kinh doanh gồm 6 ngành nghề: kinh doanh các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp (CITES) và mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc phát biểu ý kiến sáng 10/11. (Ảnh: TTXVN)
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình) – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, về thủ tục đầu tư thực chất là không còn thủ tục đầu tư với đa số các nhà đầu tư. “Cải cách lần này của dự thảo đã chạm được vào tâm điểm của vấn đề đầu tư và kinh doanh về bản chất là một và sau khi đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh thì các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp có quyền tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần làm thêm bất cứ thủ tục đầu tư nào khác. Nói như vậy, không có nghĩa là hoạt động đầu tư ở Việt Nam bị bỏ ngỏ, không được kiểm soát", đại biểu Lộc nhận xét.
Vị Chủ tịch VCCI cho rằng, lần này, Ban soạn thảo đã thiết kế được một cơ chế bộ lọc là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án tiềm tàng, có ảnh hưởng đặc biệt lớn với môi trường, dân cư, an ninh, quy mô vốn lớn, sử dụng đất lớn áp dụng không thực hiện với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng đây cũng là điểm mà đại biểu Lộc băn khoăn, ông nói: “Về phạm vi lọc, trong số các dự án xếp vào diện phải lọc này chúng ta chưa thấy các dự án sử dụng nhiều tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên không tái tạo trừ trong lĩnh vực dầu khí. Tôi cũng chưa thấy các dự án sử dụng nhiều năng lượng. Tại sao với các dự án sử dụng nhiều đất đai thì chúng ta quản lý chặt chẽ còn với các dự án sử dụng nhiều năng lượng - nguồn lực quan trọng không kém nguồn lực đất đai thì chúng ta lại bỏ qua? Vì vậy, tôi đề nghị, phải bổ sung thêm nhóm các ngành nghề này, các dự án phải chấp thuận chủ trương đầu tư”.
Cũng theo đại biểu Lộc, dự thảo rất minh bạch trong quy trình nhưng chúng ta lại chưa minh bạch về tiêu chí và sự không minh bạch về tiêu chí có thể vô hiệu hóa sự minh bạch về quy trình và các sự minh bạch khác. Vì vậy, đại biểu Lộc đề nghị, bổ sung quy định tiêu chí thẩm định các dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (tỉnhThái Bình), điểm đột phá quan trọng nhất của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là Ban soạn thảo đã đưa ra được danh mục cụ thể, chi tiết ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trên cơ sở này, người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động chọn lựa mà mình có lợi thế, giảm thiểu các thủ tục hành chính dẫn đến việc “xin - cho” như trước đây.
Về khái niệm giải thích từ ngữ, một số ý kiến đề nghị, sửa đổi khái niệm nhà đầu tư nước ngoài cho phù hợp hơn và bổ sung khái niệm về nhà đầu tư trong nước. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phân tích: Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ sót trường hợp hết sức phổ biến cụ thể là thuộc bản chất và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài do đó khái niệm này cần sửa lại thành tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có thành viên hoặc cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức kinh tế hoặc thành viên có cổ đông là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khác cũng được coi là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.”
Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn về quy định nhà đầu tư nếu không đặt trụ sở chính tại một địa điểm cụ thể sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng: Dự thảo luật đã cải tiến nhiều xong vẫn còn nặng về thủ tục hành chính đầu tư mà thiếu các chính sách có thể thực thi ngay để thu hút đầu tư vào những địa bàn cần phát triển như miền núi, hải đảo, biên giới, nông nghiệp và các dịch vụ công như giáo dục, y tế, môi trường.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là nội dung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại các điều 6, 7 và 8 của Dự thảo luật. Các đại biểu đề nghị, cần cụ thể hóa điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo đúng quy định của Chính phủ, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh theo đúng ngành nghề được quy định.
Bày tỏ quan tâm đến các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhận xét, dự thảo Luật còn chung chung: “Tôi đề nghị, làm rõ ngay trong dự thảo trường hợp nào buộc phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, trường hợp nào được tự động kinh doanh khi có đủ điều kiện”.
Góp ý về ngành nghề kinh doanh được hưởng ưu đãi, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị, bổ sung một số ngành nghề như sản xuất, kinh doanh xe lăn, chân tay giả, sản phẩm phục vụ người khuyết tật; sữa cho trẻ em và sản phẩm chuyên dùng cho trẻ em. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị, ưu đãi cho các dự án sản xuất sản phẩm chất lượng cao, có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Tán thành cao nhiều quy định trong dự thảo luật, song đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng: “Do điều kiện đầu tư kinh doanh có điều kiện cụ thể đối với 272 ngành, nghề sẽ được quy định theo các Pháp lệnh, Nghị định mà Luật đầu tư lần này dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 nên tôi đề nghị, Chính phủ sớm ban hành chi tiết việc phân bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh để dự án Luật sớm đi vào cuộc sống”.
Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể ở hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; nghe Báo cáo, giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo luật này./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam