* “Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá nghiêm túc nguyên nhân và trách nhiệm, trả lời cho được câu hỏi vì sao công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện chưa hiệu quả, từ đó bổ sung những chỉ đạo, giải pháp mới, phù hợp với thực tế", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh điều này khi chủ trì cuộc họp về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện.
Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý cai nghiện. Cụ thể là khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định; tăng cường rà soát, nắm chắc số liệu người nghiện, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống ma túy; rút ngắn thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các địa phương cần khẩn trương chuyển đổi một số cơ sở cai nghiện bắt buộc thành các cơ sở cai nghiện không bắt buộc để tiếp nhận người nghiện ma túy.
Chính phủ sẽ báo cáo và kiến nghị Quốc hội 2 phương án. Một là cho thí điểm lập Trung tâm tiếp nhận xã hội bắt buộc để tiến hành cắt cơn nghiện, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong khi chờ cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục, lập hồ sơ và quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hai là cho lùi thời gian thực hiện Điều 103 và Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính để sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật này.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp mặt thân mật, gửi lời thăm hỏi thân thiết tới các đại biểu là điển hình tiên tiến, thương binh, các gia đình liệt sỹ tiêu biểu vùng Tây Bắc.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 14 tỉnh Tây Bắc với dân số trên 10 triệu đồng bào các dân tộc có truyền thống yêu nước và cách mạng nồng nàn. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng còn nhiều khó khăn do điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hạ tầng tuy được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…
Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong vùng tiếp tục phát huy truyền thống, những thành tựu đạt được; nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả tốt hơn, toàn diện hơn trên các lĩnh vực.
Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các tỉnh trong vùng cần quan tâm tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách đối với Đảng và Nhà nước để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân các địa phương trong vùng. Đồng thời tiếp tục quan tâm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.
* Tại Yên Bái, lãnh đạo 3 Ban Chỉ đạo gồm: Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên họp, kiểm điểm công tác và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng cần có quy chế phối hợp làm việc giữa Ban Chỉ đạo với cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đưa 3 vùng còn khó khăn nhất cả nước từng bước đi lên, phát huy thế mạnh, tiến kịp các vùng khác trong cả nước.
Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo 3 Ban Chỉ đạo và các tỉnh ủy chủ động nắm bắt tình hình an ninh chính trị trong địa bàn, không để những tình huống bất ngờ, bị động xảy ra. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị kịp thời với cấp có thẩm quyền về các lĩnh vực, quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động và đời sống nhân dân.
* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngày Pháp luật hằng năm là dịp để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho toàn xã hội tại buổi lễ Ngày Pháp luật Việt Nam lần thứ 2.
Để Ngày Pháp luật Việt Nam thiết thực, hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện đúng tinh thần của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật mà trọng tâm là các nhiệm vụ chính trị được giao, tổ chức triển khai thi hành hiệu quả Hiến pháp 2013 và các luật mới được ban hành, không phô trương, hình thức.
* Phát động tại Lễ khởi công xây dựng 89 trạm y tế tại các xã khó khăn các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý nghĩa sự kiện này và đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai chủ trương chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngay tại địa bàn cư trú, thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, tăng cường đào tạo và bổ sung nhân lực y tế cho vùng khó khăn theo hình thức luân phiên và đưa cán bộ trẻ về công tác.
Ngoài đầu tư từ nguồn ngân sách, Bộ Y tế cần tạo điều kiện ưu tiên huy động và sử dụng hiệu quả từ nguồn đầu tư xã hội hóa và nước ngoài cho y tế cơ sở.
* Chủ trì cuộc họp cùng các bộ, ngành, các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của ngành Công nghiệp, Thương mại, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo xem xét, rà soát các nội dung Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, nằm trong chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Việc tái cơ cấu ngành phải đi theo hướng giải quyết các vấn đề đang tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Công Thương nhằm tăng nhanh xuất khẩu, cải thiện thâm hụt thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu lớn; xây dựng nền thương mại trong nước phát triển bền vững, hiện đại, xây dựng các kênh phân phối hợp lý, quan tâm phát triển thị trường trong nước, đặc biệt vùng miền núi, hải đảo, biên giới.
Đối với các ngành công nghiệp, bài toán quan trọng là đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành. Từ đó chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm chuyển dịch cơ cấu ở các ngành, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất sản phẩm điện tử, cơ khí; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển cơ khí trọng điểm. Phát triển nguồn năng lượng phù hợp với quá trình phát triển của đất nước.
* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan rà soát các bước chuẩn bị đưa vào sử dụng xăng sinh học E5 vào đầu tháng 12 tới theo kế hoạch đã đề ra.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp cần nhất quán, quyết tâm thực hiện lộ trình mà Thủ tướng đã đề ra cho việc đưa vào sử dụng rộng rãi nguồn năng lượng mới xăng sinh học. Lưu ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên toàn quốc tới mọi người tiêu dùng về các lợi ích, thông tin cần thiết về sản phẩm, môi trường, xã hội của xăng sinh học, thay đổi nhận thức của một số địa phương, tổng đại lý, đại lý còn chưa mặn mà tham gia do ngại đầu tư, chuyển đổi…
* Tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Bảo hiểm tiền gửi, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị NHNN, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ về hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.
Ngân hàng Nhà nước sớm xây dựng Chiến lược phát triển BHTG, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. BHTG Việt Nam nâng cao năng lực quản trị và chuyên môn của cán bộ, chủ động phối hợp với các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng cường tuyên truyền về chính sách BHTG để nâng cao niềm tin của nhân dân với hệ thống ngân hàng…
* Dự Lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL-Sóc Trăng năm 2014 với chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp - xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, vùng ĐBSCL cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, như nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động xấu đến phát triển kinh tế và đời sống; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; hộ nghèo và cận nghèo còn cao,...
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng quan tâm hơn nữa đến mục tiêu quan trọng nhất mà Diễn đàn hướng tới là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, người dân tộc, đồng bào ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
* Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể thứ nhất Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 26 tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với những chuyển biến mang tính bước ngoặt của kinh tế thế giới và cục diện toàn cầu trong thời gian qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chuyển mình căn bản và cần cùng triển khai các biện pháp sau để làm sâu rộng hơn nữa liên kết khu vực và nâng cao vai trò của APEC trong cục diện mới.
“Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ những quyết định quan trọng của Hội nghị lần này nhằm định hướng cho liên kết của APEC, đặc biệt về kết nối toàn diện, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)”, Phó Thủ tướng nói.
Nguồn chinhphu.vn