Sáng ngày 6-11, đông đảo người dân đã đến từ rất sớm để theo dõi phiên sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh xét xử đối với các bị cáo: Đổng Xuân Ngọc (SN 1996) ngụ thôn Hiếu Lễ, Phước Hậu, Ninh Phước; Hán Tấn Jét (SN 1997), Phú Quốc (SN 1995), Quãng Đại Lãm (SN 1996), Lưu Văn Khải (SN 1997) cùng ngụ thôn Hoài Ni, Phước Thái, Ninh Phước về tội “ Giết người”. Vụ án, giết người đốt xác từng gây xôn xao dư luận về tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Vào ngày 6-4-2014, trong lúc nhậu cùng nhau, ông Sỹ, ba Ngọc có lời qua tiếng lại, và có đánh nhau. Mọi việc xem như kết thúc khi bà Nhánh, là vợ ông Sỹ đã đến nhà ba Ngọc hỏi thăm và hứa sẽ trả tiền trị vết thương.
Thế nhưng sau chầu nhậu vào ngày 10-4-2014, Ngọc đã “tâm sự” với bạn nhậu về chuyện ba bị đánh và muốn "trả thù". Đến khoảng 21 giờ ngày 10-4, Ngọc rủ Jét, Lãm, Quốc, Khải lên chòi ông Sỹ ở núi Giáng Tiên, thuộc xã Phước Thái trả thù cho ba, cả bọn đồng ý. Khi đi, nghe lời Ngọc, Lãm mang theo 1 xà beng dài 90cm và 1 chai dầu lửa. Đến nơi, thấy ông Sỹ đang ngủ trên giường, Ngọc, Khải lao vào đánh liên tiếp vào đầu và mặt nạn nhân. Từ bên ngoài, khi nghe tiếng la hét của ông Sỹ, Jét giật lấy xà beng, chạy tới đâm 3 cái qua vách chòi, trúng vào người ông Sỹ. Lúc này, Quốc cũng lấy đá ném liên tiếp vào chòi. Căn chòi sụp xuống, Lãm dùng dầu lửa mang theo tưới lên mái chòi, Ngọc châm lửa đốt.
Các bị cáo Ngọc, Quốc, Khải, Jét, Lãm (từ trái qua phải) tại phiên tòa sơ thẩm.
Nghe đến đây, cả hội trường xôn xao, bàn tán, từng lời khai về hành vi phạm tội của các bị cáo khiến cho nhiều người tham dự phiên tòa phẫn nộ. Không chỉ dừng lại ở đó, thực hiện xong hành vi trên, cả bọn bỏ đi được khoảng 10m thì nghe tiếng ông Sỹ kêu cứu trong tuyệt vọng, các bị cáo không thấy xót xa, Ngọc và Jét quay lại, tiếp tục dùng đá và cây gỗ đánh nạn nhân. Đến sáng ngày mai, người nhà đã phát hiện thi thể ông Sỹ bị thiêu rụi đến chết cùng căn chòi. Biết được sự việc trên, ngày 18-4 cha của Ngọc đã đưa con đến cơ quan điều tra đầu thú.
Từ ý định đánh và đốt chòi, đe dọa ông Sỹ các bị cáo đã không làm chủ được hành vi của mình, dẫn đến phạm tội nghiêm trọng.
Bà con ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh của gia đình bị hại, nhà nghèo, 2 vợ chồng ông Sỹ không có được mụn con, sống với nhau gần 30 năm cùng căn chòi trên rẫy ấy. Theo lời khai của gia đình nạn nhân, vào khoảng 8 giờ tối trước khi xảy ra chuyện, cháu bà có gọi điện cho ông Sỹ và nhắc ông đi qua nhà khác ngủ. Nhưng đến khoảng 11 giờ tối, khi gọi lại, cả nhà không liên lạc được với ông. Sáng hôm sau, cháu trai của bà lên tìm, và vô cùng hoảng hốt trước cảnh căn chòi bị đốt cháy. Dở những tấm tôn lên, phát hiện thấy thi thể người bi cháy đen thui. Linh tính mách bảo có gì đó không ổn, cháu trai đã vội báo cơ quan công an địa phương.
Đến lúc này, bà Nhánh cũng không ngờ rằng, cuộc gọi lúc 8 giờ ấy là lần sau cùng bà được nói chuyện với chồng. Trong mắt của bà con thôn xóm, ông Sỹ là một người hiền lành, siêng năng làm ăn nên được mọi người quý mến
Tại tòa, các luật sư bào chưa cho bị cáo đều cho rằng, HĐXX nên làm rõ thời điểm cái chết của ông Sỹ là trước hay sau khi căn chòi bị cháy. Mặc dù Trung tâm giám định pháp y tỉnh cũng không xác định được thời điểm cái chết của ông Sỹ, nhưng qua lời khai của các bị cáo, HĐXX xét thấy truy tố các bị cáo theo khoản 1 (thực hiện tội phạm một cách man rợ) điều 93 BLHS là có căn cứ. Trong vụ án, Ngọc đóng vai trò là kẻ cầm đầu, các bị cáo còn lại tham gia với vai trò là đồng phạm, giúp sức. Khi thực hiện hành vi, Khải, Jét, Lãm là trẻ vị thành niên nên nhận thức pháp luật còn hạn chế.
Qua 1 ngày xét xử, HĐXX tuyên phạt Đổng Xuân Ngọc 20 năm tù giam, Hán Tấn Jét 15 năm tù giam, Phú Quốc và Quảng Đại Lãm cùng lãnh mức án 14 năm tù giam, Lưu Văn Khải 12 năm tù giam về tội “Giết người”. Đồng thời yêu cầu các bị cáo liên đới bồi thường cho gia đình bị hại tổng số tiền 83 triệu đồng.
Minh Khai