Chuyện tưởng là đơn giản nhưng khi thực hiện lại không giản đơn chút nào do có nhiều “rào cản” xuất phát từ chính… năng lực của không ít giáo viên. Đầu tiên, chuyện rất khó tin mà lại rất thật: Chữ viết của nhiều giáo viên tiểu học quá xấu như chữ… bác sĩ nên “ngại” phụ huynh, học sinh “dịch” không ra, không khéo chữ “tác ” thành chữ “ tộ ” như chuyện “tiếu lâm” ngày xưa thì nguy!. Thế nên một số cơ sở khắc dấu lại có ngay “sáng kiến” là khắc các dấu nhận xét “mẫu” để bán cho giáo viên. May mà Bộ GD-ĐT phát hiện và cấm kịp thời!. Khó khăn tiếp theo là nhiều giáo viên cho rằng ghi nhận xét không xuể bởi… nhiều học sinh quá!.
Giáo viên Trường Tiểu học Chất Thường rèn chữ viết cho học sinh lớp 1. Ảnh: Sơn Ngọc
Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi là do giáo viên… “ngại” phê vì nếu phê đúng thì không nói gì còn như phê hơi lệch do “cảm nhận” chưa sâu bài làm của học sinh thì “phiền to” nếu như phụ huynh phản ảnh lại!. Mới đây, ngày 3/11 Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị 5105/CT-BGDĐT “về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học”. Chỉ thị nêu rõ: Đối với lớp dạy học 2 buổi/ngày thì giáo viên hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh. Còn đối với lớp dạy 1 buổi/ngày thì chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa… Tại Chỉ thị nêu trên còn quy định nhiều nội dung quan trọng khác liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường và giáo viên, tạo “môi trường” giáo dục bậc tiểu học theo hướng thuận lợi, không “áp lực” đối với học sinh, cả việc chuyển bậc từ tiểu học lên THCS. Tuy nhiên, để chỉ thị có tính quyết liệt đổi mới này đi vào cuộc sống cũng không… đơn giản. Một số giáo viên cho rằng do chương trình bậc tiểu học còn “nặng” nên không thể truyền đạt cho học sinh nắm bắt kiến thức bài học một cách đầy đủ trên lớp được nên “buộc” học sinh phải học thêm thì mới lĩnh hội hết…
Thực tế thì dù cấm hay không việc dạy thêm của giáo viên vẫn diễn ra (vì dù sao đây gần như là nguồn thu nhập chính ngoài tiền lương khá thấp của giáo viên tiểu học). Còn tâm lý chung phụ huynh nào cũng muốn con em mình học tốt, học giỏi nên dù có khó khăn cũng vẫn cho con theo học. Điều đáng nói là các lớp học thêm này thường tổ chức vào ban đêm do cả ngày học sinh phải học trên lớp… nên dẫn đến tình trạng mệt mỏi, căng thẳng… đối với không ít học sinh. Nếu kéo dài thì hậu quả khó lường cả về tâm sinh lý đối với lứa tuổi còn quá hồn nhiên như “tờ giấy trắng” này.
Thiết nghĩ, đã cấm thì phải triệt để, còn liệu có cấm được hay không thì còn tùy thuộc vào quyết tâm, biện pháp và trách nhiệm của lãnh đạo ngành giáo dục.
Hạ Huyền