Chính vì lẽ đó mà không ít địa phương trong cả nước rừng ngày càng bị thu hẹp lại. Đối với tỉnh ta, việc suy giảm vốn rừng do nạn phá rừng ngày càng tăng “cường độ”. Chỉ tính trong 10 tháng của năm nay, qua tuần tra, truy quét… lực lượng chức năng đã phát hiện trên 970 vụ vi phạm, tăng 18,45% so với cùng kỳ. Qua đó đã xử lý 959 vụ, tăng 27%. Thực ra, đây chỉ là những con số bề nổi của “tảng băng” chìm mà thôi, còn con số thực phải tăng gấp nhiều lần.
Lực lượng Kiểm lâm Ninh Sơn bắt giữ gỗ khai thác trái phép tại vùng rừng giáp ranh giữa xã Ma Nới.
Ảnh: Nguyễn Sơn
Vấn đề đặt ra là vì sao không khống chế được tình trạng nêu trên?. Quả là không dễ để tìm câu trả lời. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù công tác bảo vệ rừng luôn được các địa phương và ngành cũng như lực lượng chức năng quan tâm thường xuyên, có nhiều đổi mới trong việc vận dụng, thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước như đầu tư hạ tầng sản xuất, tạo công ăn việc làm, giao rừng khoán quản… cho người dân vùng có rừng. Mặt khác, các đơn vị “chủ rừng” cũng đã có nhiều biện pháp quyết liệt để chống “lâm tặc” xâm hại đến vùng rừng quản lý… Tuy nhiên, “lực bất tòng tâm” bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân mà các “chủ rừng” được Nhà nước giao quản lý thường “nại” ra là lực lượng mỏng, phương tiện trang bị chưa đầy đủ… trong khi đối tượng phá rừng ngày càng “ranh ma”, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Thực ra, đối tượng phá rừng cũng chỉ là “làm thuê” theo đơn đặt hàng của các “vựa”, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản. Đa phần trong số này “ly nông” để cố bám vào rừng với lẽ đơn giản là tuy cực khổ, nguy hiểm nhưng có tiền ngay nếu khai thác, vận chuyển ra khỏi rừng trót lọt trong khi làm nông nghiệp thì tuy ổn định nhưng thu nhập không cao lại dài ngày!. Điều chúng tôi cũng muốn đề cập nữa là không loại trừ có sự tiếp tay của chủ rừng, lực lượng chức năng… để “bán đứng” rừng!
Ngày 14-10 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2014-2015 và những năm tiếp theo”. Một trong những mục tiêu được đặt ra là đưa độ che phủ rừng từ trên 44% hiện nay lên 45% năm 2015 và đạt 50% vào năm 2020. Kèm theo đó là thực hiện phát triển lâm nghiệp toàn diện theo hướng xã hội hóa, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng có rừng. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, Nghị quyết nêu trên đã xác định 3 nhiệm vụ chủ yếu và 7 giải pháp trọng tâm. Theo đó, cùng với việc quản lý tốt rừng, đất rừng gắn với đẩy mạnh giao đất, giao rừng, cho thuê rừng để rừng thực sự có chủ… Một trong những giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, đầu ra của các cơ sở chế biến, kiểm soát chặt chẽ lưu thông lâm sản trên từng địa bàn. Kiên quyết xử lý những cơ sở kinh doanh chế biến gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp, hoặc không có giấy phép hoạt động… Đây là cái gốc của vấn đề vì thực trạng hiện nay đa số các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ đều “chơi” chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” cả. Đã “triệt” thì phải “triệt” tận gốc. Thiết nghĩ nếu cơ quan liên quan, lực lượng chức năng, địa phương gắn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế rừng, tạo thu nhập cho người dân… với quản lý chặt chẽ đối tượng phá rừng, các cơ sở chế biến gỗ… như tinh thần Nghị quyết nói trên thì sẽ góp phần hạn chế nạn phá rừng tràn lan như hiện nay.
Chủ trương đã rõ, vấn đề còn lại là các địa phương, ngành chức năng liên quan liệu có “kiên quyết đổi mới, quyết tâm triển khai, quyết liệt thực hiện” hay không mà thôi!.
Hạ Huyền