Theo bà Lê Thị Xưa, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội), năm nào tỉnh ta cũng có các vụ việc liên quan đến bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, với những diễn biến ngày càng phức tạp, đau lòng. Trong khi đó, các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa vẫn còn yếu và ít, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các ngành, các cấp chính quyền, và cả các bậc cha mẹ.
Văn hóa phẩm đồi trụy tràn lan trên mạng internet, sự suy thoái về đạo đức – lối sống của một bộ phận người dân trong xã hội, không ít bậc phụ huynh thiếu quan tâm đến con cái, trẻ em thiếu kỹ năng phòng vệ,… là những nhóm nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực, xâm hại tình dục ở trẻ em. Thách thức đặt ra không chỉ là việc bảo đảm quyền trẻ em, tránh những tổn hại về thể chất và tinh thần đối với trẻ, mà còn là những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ các em trong những trường hợp bị tổn thương.
Về các chế tài xử lý người có hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, quy định pháp luật đã khá rõ ràng. Đầu tháng 4-2014, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên xét xử, tuyên phạt 14 năm tù đối với bị cáo D.D (ngụ huyện Thuận Bắc) về tội “hiếp dâm trẻ em” vì đã 2 lần thực hiện hành vi giao cấu với em vợ mình. Đây là mức án thích đáng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít trường hợp, vì quá hoảng sợ hoặc xấu hổ mà các em không dám kể với bố mẹ, trong khi không ít gia đình vì quá khó khăn hoặc sợ dư luận cũng không dám trình báo ngành chức năng để can thiệp, xử lý. Cũng cần nói thêm, có trường hợp thầy giáo dụ dỗ xâm hại học sinh, xảy ra ở một trường học thuộc địa bàn huyện Thuận Bắc, nhưng chỉ bị “xử lý nội bộ” là cho giáo viên này thôi việc, khiến dư luận có nhiều bức xúc.
“Lục” lại các văn bản quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trong đó có vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục ở trẻ, có thể tìm thấy hàng loạt quyết định, chỉ thị, kế hoạch, kế hoạch liên ngành,… khá đầy đủ và hoàn chỉnh. Có thể kể ra một số văn bản như: Chỉ thị số 21/CT-TU ngày 29-7-2011 của Tỉnh ủy Về việc tăng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em giai đoạn 2011 – 2015; Kế hoạch liên ngành số 1819/KHLN-SLĐTBXH-SGDĐT ngày 5-9-2014 về Thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giữa Sở Lao động - Thương binh Xã hội với Sở Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2014 – 2020; Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2012-2020,… Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương, công tác phòng ngừa rất yếu, cũng không có đội ngũ cộng tác viên chuyên trách ở cơ sở. Thế nên, khi xảy ra vụ việc liên quan đến trẻ em, không chỉ gia đình mà ngay chính quyền cơ sở, cán bộ phụ nữ, tư pháp, công an hay y tế,… đều tỏ ra bối rối, bỡ ngỡ trong xử lý tình huống.
Bà Lê Thị Xưa, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội) cho biết thêm, hiện tại, các địa phương cũng như các ngành chưa phối hợp đồng bộ trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, việc xử lý thì “mạnh ai nấy làm”, khiến công tác theo dõi cũng như giúp đỡ, hỗ trợ các em trở nên khó khăn hơn, thậm chí là không kịp thời. Mặc dù đơn vị thuờng xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cơ sở và nhóm trẻ em nòng cốt ở các huyện, thành phố, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em là vấn đề “nhạy cảm”, để lại hậu quả nhức nhối cho chính các em, gia đình và xã hội. Vì vậy, công tác phòng ngừa càng phải đặt lên hàng đầu, trước hết là trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng vệ, kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình và xã hội, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là những hành vi gây tổn hại thể chất, tinh thần của trẻ.
Bảo Bình