Đó là nói đến những nhóm chơi huê, hụi có mục đích rõ ràng, độ tin cậy cao. Ngược lại, cùng với sự phát triển, huê hụi đã biến tướng dẫn đến “tiệm cận” với quan hệ “vay-lãi cao” giữa “nhà cái” với “nhà con” hay nói khác hơn chủ hụi “kêu” rất nhiều đầu huê đồng thời cũng lập danh sách nhiều đầu “ma” để qua đó tự đặt giá rất cao để hốt tất, còn hụi viên đóng hụi chết thấp tưởng đó là lãi!. Chiêu “lừa” cao tay ấn này đã đánh vào tâm lý hám lợi để “hút vốn” của nhiều người có khả năng nhằm giải quyết cơn “khát vốn” cho một số người trong làm ăn bằng hình thức cho vay nặng lãi.
Vậy là, đến lúc lấy tiền của “hụi con” chung lại cho “hụi con” mỏng dần đến lúc hết khả năng chi trả hoặc số tiền chủ hụi cho vay bị …"xù" thì coi như bể hụi. Có vụ bể nhỏ nhưng cũng có vụ bể dây chuyền như trò chơi đomino với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Gần đây một số trường học trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã xảy ra tình trạng vỡ hụi, có trường số tiền lên đến nhiều tỷ đồng!. Hụi “bể” cũng đồng nghĩa với mất an ninh trật tự, gây xáo trộn trong gia đình từng hụi viên và cả trong trường học. Có nhiều trường hợp chủ hụi là giáo viên trong trường nên hậu quả khó lường hết được. “Của đau, con xót”, từ tình cảm bấy lâu gắn kết nay trở thành “đối đầu” nhau giữa hụi viên với chủ hụi trong việc đòi tiền “bị xù” hụi, có nơi lên đến con số hàng vài chục triệu đồng. Có trường giáo viên là chủ hụi còn "kéo" cả phụ huynh học sinh tham gia. Nên khi bị vỡ hụi cái cảnh ồn ào với bao ngôn ngữ “chợ búa” đã “tấn công” vào trường học tác động đến nhiều học sinh. Hình ảnh nhà giáo “khả kính” trong mắt học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp ngày nào nay đã đổ sụp không thương tiếc. Không chỉ có vậy, ảnh hưởng lớn hơn đó là “môi trường sư phạm” vốn dĩ trong lành thì nay đã phần nào bị “vấy bẩn”, nhạt mờ trong mắt nhiều phụ huynh và học sinh nhà trường do một số “con sâu” đã “làm rầu nồi canh”!.
Việc chơi huê, hụi là quyền của mỗi người miễn là không trái quy định của pháp luật nhưng không vì vậy mà để xảy ra hậu quả và tạo nên hình ảnh không đẹp trong môi trường giáo dục như đã nói trên. Napôlêông đã nói rất hay rằng: mất tiền là chẳng mất gì cả, còn như mất danh dự là đánh mất nửa cuộc đời. Quả thật, danh dự giống như viên đá quý, chỉ cần có một vết xước nhỏ cũng làm mờ ánh lấp lánh của nó. Danh dự là điều quý giá nhất, chính vì lẽ đó mà trong đời sống tình cảm sự thù hằn có thể tha thứ nhưng không bao giờ người ta tha thứ cho sự khinh rẻ…
Không phải là thừa để nói rằng: Với mỗi nhà giáo đừng bao giờ để “Danh dự” bị tổn thương!.
Tuấn Dũng