Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 1-11

* Sự kiện

- Ngày 1-11-1941: Nguyễn Ái Quốc sáng tác bài “Ca binh lính” đăng trên báo Việt Nam Độc Lập số 110, nhằm mục tiêu binh vận: “Hai tay cầm khẩu súng dài/ Nhắm đi nhắm lại, bắn ai thế này?...” và kêu gọi sự giác ngộ: “Trong tay ta sẵn súng này/ Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành/ Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh/ “Việt binh cứu quốc” rạng danh muôn đời”.

- Ngày 1-11-1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư chào mừng Đại hội những người sản xuất trẻ của thủ đô Hà Nội: “Bác thân ái chúc các cháu. Mạnh khỏe, vui vẻ. Đoàn kết chặt chẽ. Luôn luôn thi đua. Đưa cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ, vươn lên hàng đầu trong mọi công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa”.

- Ngày 1-11-1981: Nhạc sĩ, giáo sư Trần Văn Khê nhận giải thưởng về âm nhạc của Tổ chức UNESCO. Giáo sư Trần Văn Khê sinh ngày 24-7-1921, quê ở tỉnh Tiền Giang. Ông là một nhạc sĩ, nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp to lớn cho nền âm nhạc dân tộc. Gần nửa thế kỷ nghiên cứu, hoạt động và giảng dạy âm nhạc ở nước ngoài, ông đã viết hàng trăm bài báo và tham luận về đề tài âm nhạc dân tộc Việt Nam được dịch ra 14 thứ tiếng. Ông còn đảm nhận giới thiệu các chương trình âm nhạc dân tộc Việt Nam trên sóng phát thanh, truyền hình tham gia thuyết trình về âm nhạc truyền thống Việt Nam tại hơn 50 quốc gia. Ông cũng là người đã hiến tặng 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc. Với nhiều công hiến, giáo sư được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng giải thưởng về âm nhạc.

- Từ ngày 1 đến 11-11-1999: Lũ lụt lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại 7 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định. Lũ lụt làm hơn 600 người chết và mất tích, hơn 1.000.000 người thiếu đói, gần 220 nghìn tấn lương thực, thóc giống bị cuốn trôi và ngập hỏng, gần 40.000 ngôi nhà bị sập trôi, hơn 200 trạm y tế và 1.800 phòng học bị hư hỏng nặng, gần 610 nghìn gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại ước tính 3.820 tỷ đồng.

- Từ ngày 1 đến 3-11-1999: Tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị về các vườn thú các nước Đông Nam Á lần thứ 8, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ 17 quốc gia và lãnh thổ.

- Ngày 1-11-2002: Công bố Ga hỏa xa Đà Lạt là khu di tích lịch sử - văn hoá quốc gia. Ga hỏa xa Đà Lạt tọa lạc vị trí trung tâm thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), được xây dựng vào năm 1932 và hoàn thành năm 1936. Công trình do hai kiến trúc sư Moncet và Revéron thiết kế. Nhà ga mô phỏng hình ảnh dãy núi LangBiang hùng vĩ, tòa nhà chính với 3 vòm mái nhô cao như 3 đỉnh núi lối kiến trúc hài hòa đặc trưng của Đà Lạt và nét kiến trúc độc đáo của Pháp… Hiện nay, cùng với ga Hải Phòng, Đà Lạt là nhà ga cổ kính nhất còn lại ở Việt Nam.

- Ngày 1-11-2013: Công dân thứ 90 triệu của Việt Nam chào đời. Theo xác nhận từ phía Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), bé gái Nguyễn Thị Thùy Dung chào đời lúc 2 giờ 45 phút ngày 1-11-2013 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội - là công dân thứ 90 triệu của Việt Nam. Đây là em bé được chọn ngẫu nhiên “đại diện” cho 10 em bé công dân thứ 90 triệu đã chào đời tại Việt Nam từ 0 giờ đến 5 giờ sáng.Cháu Nguyễn Thị Thùy Dung nặng 3,2kg, con của anh Nguyễn Văn Dũng (31 tuổi), chị Lê Thị Duyên (27 tuổi) ở thôn Hoàng Xá, xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

* Nhân vật:

- Ngày 1-11-1910: Ngày sinh của nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai. Nguyễn Thị Minh Khai quê ở xã Vịnh Yên, Nghệ An. Năm 1931, bà cùng Lê Hồng Phong được cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản họp ở Moskva (Liên Xô). Sau khi về nước, bà tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 9-1939 chiến tranh thế giới bùng nổ, địch khủng bố trắng, ngày 30-7-1940, bà bị địch bắt. Trong tù, bà đã bí mật liên lạc được với tổ chức bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Địch vịn vào cuộc khởi nghĩa này để lấy cớ kết án tử hình một số cán bộ lãnh đạo của Đảng đang bị giam giữ, trong đó có bà và chồng là đồng chí Lê Hồng Phong. Ngày 28-8-1941, bà bị xử bắn cùng một lần với các đồng chí khác tại Hóc Môn.

Theo TTXVN