Người dân Phú Thọ cào dắt phía hạ nguồn Sông Dinh.
Có mặt tại bãi bồi hạ lưu Sông Dinh, chúng tôi chứng kiến trên 50 người dân Phú Thọ nhộn nhịp hành nghề cào dắt. Tiếng í ới gọi nhau, tiếng nói cười vang vọng cả một vùng sông nước. Con dắt lớn bằng ngón tay cái dài khoảng 2 phân, vỏ màu vàng đen, thân cắm thẳng đứng vào đất bãi bồi. Công cụ hành nghề cào dắt chỉ cần một chiếc vợt đường kính khoảng 40 phân và thau đựng sản phẩm. Người cào dắt lội ra giữa dòng lạch ngập ngang bụng đưa vợt xuống cào sát mặt đất. Nghề bắt dắt cạn chỉ cần một chiếc vá nhôm ngồi xới từng lát cát bãi bồi để bắt dắt. Khi nước thủy triều xuống, khoảng 6-7 giờ sáng, người dân làng Phú Thọ lũ lượt kéo nhau ra vùng bãi bồi cào dắt. Tất bật lao động đến 10 giờ nước triều lên, bà con đưa dắt về bán cho các chủ vựa thu mua với giá 20- 22 ngàn đồng/kg. Sau một buổi ngâm mình giữa dòng nước chà hai, mỗi người có thể bắt được 3-5 kg dắt, thu nhập 60- 100 ngàn đồng. Ngừng tay bắt dắt, chị Nông Thị Sáu chia sẻ: “Em quê gốc ở miền Bắc vô Cam Ranh lập nghiệp rồi duyên nợ với anh trai làng Phú Thọ. Nghề cào dắt giúp gia đình em và bà con thôn xóm bảo đảm cuộc sống hàng ngày. Thu nhập của chồng em đi biển có dư chút đỉnh sắm sửa nhà cửa, nuôi các cháu ăn học”.
Chúng tôi tìm gặp chị Dương Thị Mộng Sinh là một trong những đầu mối thu mua dắt ở làng biển Phú Thọ. Mỗi ngày, gia đình chị mua 3-4 tạ dắt chở ra Cam Ranh bán cho những người nuôi tôm hùm. Con dắt sống ở vùng nước chà hai thịt thơm, béo ngậy là nguồn thức ăn khoái khẩu của tôm hùm. Khi nghề nuôi tôm hùm chưa phát triển thì con dắt đưa ra chợ bán cho chị em nội trợ mua về nấu canh chua. Dắt ngâm nước cơm vài giờ nhả hết cát, trụng sơ nước sôi tách vỏ, cậy lấy ruột nấu canh với lá me, cà chua nêm hành ớt là món ngon trong bữa cơm gia đình. Hoặc nấu cháo dắt nêm hành tiêu thơm lừng, thưởng thức một lần là suốt đời không quên món ăn đặc sản ở làng biển. Chị Sinh thảo lảo mời chúng tôi ở lại để thưởng thức các mon ngon do chị chế biến từ con dắt làng biển Phú Thọ.
Anh Trần Văn Quang, Phó Ban quản lý thôn Phú Thọ cho biết nhờ nghề đi biển, đánh bắt tôm hùm giống, cào dắt nên đời sống người dân ngày càng phát triển. Bà con ra bãi bồi cào dắt là rủng rỉnh dư tiền mua gạo ăn cho cả nhà. Toàn thôn hiện có 585 hộ với gần 2.900 nhân khẩu, còn 30 hộ nghèo do già yếu, neo đơn thiếu sức lao động. Ông bà xưa chọn vùng đất Phú Thọ sinh cơ lập nghiệp với ước mong bảo đảm cuộc sống trù phú lâu dài cho con cháu đời sau. Nghề cào dắt tồn tại qua hơn 100 năm lập làng trở thành sản vật riêng có của cư dân làng biển Phú Thọ.
Sơn Ngọc