Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn đảng bộ đã kết nạp được 8 ĐV, vượt 3 ĐV so với chỉ tiêu được giao. Gần đây, thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã về đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đa số ĐV trong đảng bộ nói chung và ở 2 Chi bộ thôn Sơn Hải 1, 2 nói riêng đã phát huy vai trò gương mẫu, tích cực vận động người thân, gia đình, họ hàng, bạn bè, bà con lối xóm tuyệt đối không tham gia vào bất cứ hoạt động nào làm mất an ninh trật tự của địa phương. Có dịp gặp gỡ các ĐV cao tuổi ở đây, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều không đồng tình với hành động tụ tập đông người, gây áp lực với chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Tấn Ích, cán bộ hưu trí ở thôn Sơn Hải 1, ĐV 55 tuổi Đảng bức xúc nói: “Tôi là người phản đối việc cấp phép khai thác tận thu ti-tan gây ảnh hưởng môi trường sống nhưng tôi cũng không chấp nhận việc vi phạm pháp luật. Thái độ coi thường chính quyền của một nhóm người đang tạo sự bất ổn xã hội, đây là điều đáng buồn ở một xã có truyền thống cách mạng”.
Ngư dân xã Phước Dinh phát triển nghề trồng rong sụn nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Miên
Theo đồng chí Nguyễn Văn Chiêu, Bí thư Đảng ủy xã Phước Dinh, sau phiên xử phúc thẩm tòa án tuyên giữ nguyên mức án đối với ông Dương Văn Phước, ngay trong chiều hôm ấy, vợ chồng ông Phước và trên 100 người dân đã tụ tập trước trụ sở UBND xã chửi bới, đe dọa vì cho rằng việc y án là do xã đề xuất. Cấp ủy, chính quyền xã đã giải thích tường tận và trong mấy ngày liền kiên trì tuyên truyền vận động, tình hình mới tạm ổn, người dân không còn kéo đến gây náo động. Tuy nhiên vừa qua khi Công an huyện về củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án hủy hoại tài sản của doanh nghiệp khai thác ti-tan, đã có một số người dân có hành vi gây cản trở. Đặc biệt với lý do không tin vào chất lượng nước, người dân 2 thôn đã “tẩy chay” dự án xây dựng hệ thống nước sinh hoạt dẫn về từ hồ Núi Một có tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, và đề nghị Nhà nước làm công trình dẫn nước thuộc hệ thống chính từ Phước Nam về. Thực ra, với thiết kế gồm có khu xử lý, trạm bơm cấp 1, các bể (lắng, lọc, chứa), hệ thống bơm định lượng..., công trình nước sinh hoạt từ hồ Núi Một được các cơ quan chức năng cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh. Thế nhưng do sự kích động của một số phần tử, người dân 2 thôn trên đã chọn sử dụng nước giếng. Ông Bùi Văn Tâm, cựu chiến binh ở thôn Sơn Hải 2 chia sẻ: “Người dân cho rằng thà dùng nước giếng vẫn sạch hơn vì vào vào mùa khô, chắc chắn hồ cạn kiệt, nước phục vụ sản xuất còn không có, lấy đâu đủ nước dẫn về cung cấp thường xuyên”.
Đồng chí Phạm Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phước Dinh cho biết: “Vấn đề nước sinh hoạt không phải lo lắm vì tài nguyên nước ngầm nơi đây còn khá dồi dào, các giếng nước đều trong vắt, vả chăng người dân bất đồng thuận dự án là vì thiếu thông tin đầy đủ. Điều chúng tôi đang quan tâm chính là diễn biến an ninh trật tự sắp đến khi đưa ra xét xử vụ đập phá, hủy hoại tài sản trong vụ án ti-tan”. Theo đồng chí, trong các vụ gây náo động vừa qua, số lượng người tụ tập tuy đông nhưng thực ra phần lớn là vì hiếu kỳ đến xem, trong đó đáng cảnh giác là các đối tượng lợi dụng tình thế vào hùa để đòi hỏi các chính sách đất đai, nhà ở, người có công, hộ nghèo.... Để an dân, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Phước Dinh đã chỉ đạo rà soát, cố gắng vận dụng giải quyết cho các đối tượng khiếu nại, nhưng đồng thời sẽ có biện pháp răn đe, xử lý nghiêm các đối tượng quá khích, có những đòi hỏi một cách vô lý.
Nhìn chung các sự kiện gây rối an ninh trật tự đang tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm người dân và trở thành vấn đề “nóng” trong công tác dân vận của toàn đảng bộ địa phương. Về đây tìm hiểu, chúng tôi được biết từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể xã cho đến các chi bộ thôn phải bám sát dân tuyên truyền, giải thích không kể ngày đêm. Tin rằng nếu như người dân 2 thôn Sơn Hải 1, 2 hiểu ra vấn đề, cùng lên tiếng phản đối các hành động gây rối của một số đồi tượng, sẽ góp phần đáng kể cho hệ chính trị xã trong công tác bảo vệ trật tự trị an, ổn định đời sống, phát triển sản xuất.
Bạch Thương