Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Ninh Bình Bùi Văn Phương khi nói về những chiến công của lực lượng CAND đã khẳng định những việc làm vừa qua của lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm được đa số cử tri, cán bộ, người dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ. Theo ông Bùi Văn Phương, đó là sức mạnh, là động lực, là điểm dựa vững chắc để lực lượng Công an yên tâm tiếp tục cuộc đấu tranh này.
Các chiến sỹ cảnh sát cơ động luyện tập trên thao trường. Ảnh: CAND
Triệt phá tội phạm để dân được sinh sống yên ổn
Chia sẻ thêm về tâm tư của cử tri, ông Bùi Văn Phương nói: “Người dân vẫn thì thầm với nhau đằng sau những “ông lớn” (đối tượng phạm tội” đều có ai đó ngầm bảo kê. Nếu không, làm sao họ dám ngang ngược vậy, như Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) chẳng hạn”.
Những người đứng sau đó (nếu có) hẳn phải là người có thế lực, vì thế, đấu tranh với những loại tội phạm này thường rất khó khăn. “Nhưng tôi tin tưởng Bộ Công an sẽ làm được”, ông Phương cho biết.
Việc Bộ Công an thực hiện thành công một số chuyên án lớn và bắt giữ một số đối tượng “cộm cán” như báo chí đã nêu, đã chứng minh niềm tin này là có cơ sở.
Ông Phương cũng nhấn mạnh, chủ trương, chỉ đạo của Trung ương về đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, trong đó phải khẳng định lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt. Chính vì vậy, Bộ trưởng Công an đưa ra thông điệp “cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm sẽ không có vùng cấm” đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, quan tâm, theo dõi của dư luận và đa số người dân.
Còn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, mấy năm gần đây, lực lượng công an đã làm được nhiều việc, điển hình như việc Công an Hà Nội thực hiện mô hình Tổ công tác 141 rất tốt, cần nhân rộng mô hình này để cho người dân ra đường được an toàn hơn, ở nhà thì được ngủ yên hơn.
Góp phần giảm thất thu ngân sách
Luật sư Trương Anh Tú-Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, thực ra thông điệp này đã được Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra từ lâu thông qua các chiến dịch truy quét tội phạm có tổ chức, tội phạm tham nhũng có chức có quyền như vụ Vinaline, Vinashin… Sự quyết liệt đó đã đem lại kết quả rất tích cực, đẩy lùi tội phạm giúp răn đe phòng ngừa tội phạm chung cho xã hội, đồng thời cũng thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần cùng Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay.
Theo Luật sư Trương Anh Tú, những hoạt động của tội phạm sẽ dẫn tới hai vấn đề, thứ nhất là gây mất ổn định xã hội; hai là gây thất thu ngân sách, gây thiệt hại kinh tế, lớn hơn nhất là mất lòng tin của nhân dân.
Chỉ tính riêng tội phạm kinh tế, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, các lực lượng công an đã âm thầm điều tra, triệt phá hàng chục ngàn vụ án liên quan đến tội phạm kinh tế lớn nhỏ, bắt hàng nghìn đối tượng vi phạm, phát hiện các đối tượng trong nước đang cấu kết với tội phạm nước ngoài nhằm đánh cắp thông tin kinh tế.
Theo báo cáo chính thức của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2014, chỉ tính riêng lực lượng công an kinh tế đã phát hiện 7.025 vụ án kinh tế, bắt giữ 7.684 đối tượng phạm tội và thu hồi về cho ngân sách Nhà nước 21.887 tỉ đồng...
Đánh giá thêm về vấn đề này, Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng lực lượng Công an đã góp phần ngăn chặn việc thất thu ngân sách khi cùng các lực lượng chức năng phá các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tội phạm kinh tế, tội phạm tài chính, ngân hàng…
Theo ông Bùi Văn Phương, để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, các ngành, các cấp, của cả bộ máy chính trị phải vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, trong đó lực lượng công an là lòng cốt.
Để lực lượng Công an hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ bảo đảm ANTT
Về việc có nhiều ý kiến đề nghị tăng cường đầu tư cho lực lượng Công an, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng ngoài Cảnh sát biển, Kiểm ngư, thì việc đầu tư hỗ trợ lực lượng Công an là rất cần thiết. Chẳng hạn ở các khu công nghiệp lớn nên thành lập các đồn công an để giải quyết vấn đề trị an khi cần thiết.
Thứ hai là nên tăng cường đầu tư trang, thiết bị cho các lực lượng chiến đấu, công an cơ sở về công cụ hỗ trợ, về kinh phí, chế độ lẫn phương tiện nghiệp vụ vì lực lượng này rất vất vả, đối mặt nhiều nguy hiểm, phức tạp, nhất là những nơi có nhiều KCN, nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh của nước ngoài tại Việt Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh….
Theo ông Trần Ngọc Vinh, an ninh, trật tự trong bối cảnh hiện nay còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, vì vậy rất cần chia sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng công an.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, sau những sự cố xảy ra ở Hà Tĩnh, Bình Dương…, Quốc hội cần xem xét kỹ khi xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trước mắt đề nghị Chính phủ thành lập thêm các đồn công an đủ mạnh ở những khu vực này và tăng cường đầu tư cho lực lượng cảnh sát cơ động để đảm bảo nhiệm vụ, bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới. Chúng tôi biết kinh nghiệm của Hà Nội và một số địa phương khác đã rất chú trọng củng cố đồn công an ở khu công nghiệp đã đem lại hiệu quả rất tốt.
Có thể nói lực lượng Công an nhân dân trong thời gian qua đã đi đầu trong nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn cho các dự án đầu tư, cho nhà đầu tư, chính là góp thêm điểm cộng cho tăng trưởng kinh tế đất nước, chính vì vậy Quốc hội, Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho lực lượng này.
Nguồn www.chinhphu.vn