Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, trong 9 tháng, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 13.293 lao động, đạt 85,76% kế hoạch năm, tăng 10,37% so với cùng kỳ. Trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh 3.790 lao động (trong đó tổ chức cho vay vốn giải quyết việc làm cho 911 dự án, với số tiền hơn 15 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 913 lao động), đi làm ngoài tỉnh 9.490 lao động.
Giờ thực hành của học viên Khoa Điện - Điện tử , Trường CĐ Nghề Ninh Thuận.
Ảnh: Thanh Long
Với chủ trương đổi mới công tác đào tạo nghề gắn với việc làm, năm nay tỉnh chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và thị trường lao động. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao tại các cơ sở sản xuất-kinh doanh đã được huy động tham gia tích cực vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong 9 tháng, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 4.306 người, tăng 4,33% so cùng kỳ. Trong đó, đào tạo nghề ngắn hạn (sơ cấp nghề) cho 1.197 người; tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2.658 người; đào tạo nghề dài hạn cho 451 người. Từ những kiến thức, kỹ năng được trang bị, sau khóa đào tạo, nhiều người dân đã áp dụng vào mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả cao.
Các hoạt động thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh được tổ chức đa dạng với nhiều hình thức phong phú, tạo cơ hội cho người lao động, chủ sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo được tiếp cận thông tin đầy đủ. Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh đã thành lập sàn giao dịch việc làm (GDVL) mang lại hiệu quả cung ứng lao động khả quan. Sàn GDVL được tổ chức định kỳ vào các ngày 5, 10, 15 hàng tháng. Trong đó, sàn GDVL chính thức diễn ra vào ngày 5 hàng tháng tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, còn hai sàn GDVL vệ tinh tại huyện Ninh Phước và huyện Ninh Sơn được tổ chức vào ngày 10 và 15 hàng tháng, đã trở thành nơi gặp gỡ giữa DN trong và ngoài tỉnh với lao động tỉnh ta. Đây là mô hình mới trong lĩnh vực giải quyết việc làm, tại đây NLĐ và DN có cơ hội trực tiếp trao đổi thông tin, qua đó giúp NLĐ dễ dàng lựa chọn công việc phù hợp. Được biết, sàn GDVL bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4-2013, đến nay Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã mở được 40 sàn GDVL, thu hút gần 7.000 lượt lao động đến tư vấn tìm việc làm, đã giải quyết việc làm cho trên 1.400 lao động.
Cùng với đó, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ngành, các cấp triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động đến với người sử dụng lao động, người lao động; hướng dẫn triển khai cho các đơn vị, doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu vùng, thực hiện trợ cấp khó khăn cho người lao động có thu nhập thấp; nắm bắt tình hình đời sống của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, tình hình lao động mất việc làm, thất nghiệp để có những giải pháp, biện pháp hỗ trợ. Ngành đã thẩm định và giải quyết cho 1.568 đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề trên 15,3 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra của năm 2014, ngành tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình giải quyết việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp nắm bắt thông tin để cung ứng lao động làm việc ở những thị trường lao động lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai;… đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, chợ việc làm theo hướng xã hội hóa, huy dộng các doanh nghiệp cùng tham gia.
Xuân Bính