Không khó để nhận ra xu hướng rèn luyện thể dục bằng xe đạp đang ngày một lan rộng, đặc biệt là đạp xe đi tắm biển vào buồi sáng thì không gì thú vị bằng.
Trời mờ sáng, dưới cái se lạnh của sương mù chưa tan, dọc các tuyến đường 16-4, Yên Ninh chạy dài xuống khu vực bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ như nhộn nhịp hơn hẳn bởi từng tốp người đạp xe thể dục buổi sáng. Trong khí trời trong lành, mát mẻ, ít xe cộ đi lại rất thuận tiện cho việc đạp xe rèn luyện sức khỏe, đã trở thành thói quen của nhiều người. Anh Phan Ngọc Thanh, có nhà ở đường Thống Nhất chia sẻ: “Cứ tầm 5h là tôi đạp xe xuống biển, trong quá trình đạp xe như vậy giống như mình khởi động, làm nóng cơ thể, sau đó xuống biển bơi để bắt đầu một ngày làm việc sảng khoái”.
Các thành viên CLB Ninh Thuận Velo.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Tp. Phan Rang –Tháp Chàm có trên100 người thường xuyên luyện tập thể dục bằng xe đạp, trong đó phải kể đến câu lạc bộ Ninh Thuận Velo, nơi tập trung của 25 thành viên có chung niềm một đam mê môn thể thao đường trường này. Lịch tập luyện của các cua-rơ CLB Ninh Thuận Velo thường bắt đầu lúc 5 -7giờ sáng hoặc 16h30 đến 18h30 mỗi ngày, địa điểm tập trung trước khu vực Bảo tàng, Quảng trường 16-4, sau đó mở tour xuống biển Ninh Chữ, vòng ra Cà Đú, chạy về đường Thống Nhất quay lại khu vực Quảng Trường, chiều dài khoảng 20km. Vào những ngày cuối tuần, các thành viên cùng nhau tập luyện phối hợp dã ngoại trên các cung đường dài hơn như Phan Rang – Cà Ná, Phan Rang – Sơn Hải, Phan Rang – Cam Ranh, chinh phục đèo ngoạn mục…Anh Bùi Mai Tân Thanh, ở đường Quang Trung, Tp. PR-TC vốn là một doanh nhân, đam mê ô tô cũng thuộc vào diện có tiếng của tỉnh. Thế rồi, đột nhiên thấy anh rẽ ngang với hình ảnh chiếc xe đạp thể thao, tất nhiên giá không hề rẻ, ngót ngét cũng hơn chục triệu. Theo anh “ban đầu anh chỉ nghĩ chơi thể thao bằng xe đạp để rèn luyện sức khỏe, cải thiện tim mạch, tuy nhiên trong quá trình tập luyện cùng với các thành viên trong CLB anh thấy chinh phục được bản thân mình qua từng cung đường, qua từng chuyến đi. Điều thú vị nhất là qua các đợt "phượt" bằng xe đạp anh mới thực sự cảm nhận được ý nghĩa đầy đủ của cuộc sống. Và để có những chuyến đi "phượt" thuận lợi cần rèn luyện trước cho mình kỹ năng xử lý sự cố hỏng hóc nhẹ như: cân chỉnh phanh, tháo lốp vá săm khi bị xịt lốp, tuột xích, rơi pedan... và có thể bổ sung lên chiếc xe của mình một số bộ dụng cụ, công cụ phục vụ mục đích này”.
Các cua-rơ tham gia hoạt động từ thiện xã hội.
Hiện nay, đa phần các cua rơ CLB Ninh Thuận Velo chọn các hãng xe của Đài Loan, Hàn Quốc, cũng có ít người chọn xe Mỹ, Nhật, với các thương hiệu nổi tiếng, màu sắc sặc sỡ, kiểu dáng đa dạng, với giá dao động từ vài triệu đến hơn 300 triệu đồng/chiếc. Cũng theo anh Tân Thanh: “Sở dĩ giá chênh lệch như vậy vì phụ thuộc vào vật liệu của các bộ phận chiếc xe và thương hiệu, nhưng nếu nhắm về nhu cầu tập luyện, rèn luyện sức khoẻ thì chỉ cần vài triêu là có một chiếc xe ưng ý”. Trong đó, các loại xe ưa dùng là Road (xe cuộc) dòng này vẫn chiếm ưu thế về số lượng người chọn để tập luyện, bởi phù hợp với đường trường, nhẹ, bánh nhỏ, hạn chế ma sát mặt đường nên dể đạt tốc độ cao. Thứ hai là dòng MTB là thể loại xe leo núi,tay lái ngang, bánh to có gai phù hợp với những ai thích chinh phục những cung đường xấu, đất đá, dốc đồi, đi vào rừng thì chọn dòng xe này. Touring là dòng xe có ráp thêm nhiều phụ kiện, yên, giỏ túi xách ...dòng xe này thì dành cho những ai thích đi "phượt", chinh phục những cung đường xa mang theo nhiều dụng cụ sinh hoạt.
Phong trào luyện tập xe đạp thể thao còn giúp các thành viên trong CLB gắn kết với nhau hơn thông qua nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa. Thời gian qua, CLB đều cử thành viên tham gia các giải nghiệp dư như giải Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hoà mở rộng...Ngoài ra CLB còn tổ chức các cuộc hành trình liên tỉnh, giao lưu với CLB xe đạp tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa. Đồng thời tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, hỗ trợ học sinh nghèo, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.
Xe đạp, ngoài mục đích rèn luyện sức khỏe, giờ cũng được nhiều người chọn là phương tiện đi lại, vừa nhàn hạ, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường. Không giống hình ảnh chiếc xe đạp cũ kỹ thời xưa, giờ xe đạp với một hình ảnh tươi mới, hiện đại, đang làm cho đô thị trở nên văn minh và thân thiện hơn. Qua vòng lăn của bánh xe, dường như cuộc sống trở nên yên bình hơn.
Ngọc Thảo