Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Theo Người, thực hiện được hai điều này, là “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.”
Bình đẳng giới - điểm sáng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ, hướng tới các mục tiêu thực hiện quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 xác định mục tiêu tổng quát: đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Bình đẳng giới ở Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, là một trong những nước có thành tựu về bình đẳng giới cao. Theo Báo cáo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2013 (MDG 2013), mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ là một trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ đã được hoàn thành trước thời hạn năm 2015.
Về chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tăng lên trong giai đoạn vừa qua. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ hai trong ASEAN).
Hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm là nữ giới chiếm 49%. Khoảng 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, thạc sỹ là nữ chiếm hơn 30% và hơn 17% tiến sỹ là nữ giới. Phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được thực hiện quyền bình đẳng từ trong gia đình đến hoạt động xã hội, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Phụ nữ
Những thành tựu về bình đẳng giới có phần đóng góp tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức tiên phong và hoạt động tích cực nhất trong các hoạt động vì bình đẳng giới. Thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã có nhiều sáng tạo trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Bám sát chức năng của Hội, nhiệm vụ chính trị của đất nước, xu thế hội nhập quốc tế và nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các cấp Hội đã tập hợp, vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không chỉ tổ chức các hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề thiết thân, chăm lo cho phụ nữ, Hội còn tập trung đề xuất chính sách, tham gia xây dựng, phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng, khởi sự và phát triển doanh nghiệp có nhiều đổi mới, góp phần tăng tỷ lệ nữ doanh nhân.
Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ngày càng được các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng rộng rãi, được gắn kết với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,” cụ thể hóa trong phong trào thi đua của ngành, địa phương, tạo sự chuyển biến về chất trong phong trào phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của bản thân mỗi người phụ nữ, sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt những thành tựu đáng kể, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trên từng chặng đường phát triển.
Theo TTXVN