Tập trung các nguồn lực xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế

(NTO) Xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là một trong những việc làm hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là nhân dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây còn là một trong những tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí này, cần sự chung tay, nỗ lực của các ngành, các cấp.

Nhiều xã “rớt chuẩn”

Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 60% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tuy nhiên, năm 2011, khi Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, giai đoạn 2011-2020, tất cả các xã đều bị “rớt chuẩn”. Vì theo Bộ tiêu chí của giai đoạn này, có nhiều tiêu chí mới được đề ra, nhiều địa phương không đạt được, như tiêu chí DS/KHHGĐ, quy định tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng phải thấp hơn 18% đối với vùng miền núi, 15% ở đồng bằng trung du, 12% ở thành thị; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm dưới 8/1.000 đối với thành thị, đồng bằng trung du dưới 9/1.000 và miền núi dưới 11/1.000; trên 70% hộ gia đình ở vùng núi có hố xí hợp vệ sinh… Ngoài ra một số tiêu chí cũ được lập lại nhưng đòi hỏi ở mức cao hơn như: tiêu chí về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất trang thiết bị…

 
Cán bộ y tế xã Phước Hậu (Ninh Phước) khám, điều trị cho bệnh nhân.

Điển hình như xã Xuân Hải (Ninh Hải) đã đạt chuẩn quốc gia về y tế từ năm 2001. Năm 2011, xã nằm trong danh sách “rớt chuẩn” cũng vì một trong những tiêu chí trên. Bác sĩ Thành Thị Ngọc Lịch, Trưởng Trạm y tế (TYT) xã cho biết: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng đến nay xã vẫn chưa lấy lại danh hiệu xã chuẩn quốc gia về y tế của mình. Trước tiên là về nhân lực, theo quy định tỷ lệ cán bộ y tế trên số dân là 1/2.000. Xuân Hải có trên 16.000 dân số nhưng TYT chỉ có 5 biên chế, như vậy còn thiếu tới 3 biên chế. Trạm còn thiếu tiêu chí đông - tây y kết hợp; yêu cầu tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt ít nhất 70% (xã chỉ đạt 34% )… Tất cả những tiêu chí này không phải một sớm một chiều mà thực hiện được.

Bên cạnh đó, theo quy định, trạm y tế (TYT) xã phải có ít nhất 10 phòng chức năng, bảo đảm có từ 70% trang thiết bị và đủ số lượng, còn sử dụng được theo danh mục quy định hiện hành; có ít nhất 2 trong 3 trang thiết bị: máy điện tim, máy siêu âm đen trắng xách tay, máy đo đường huyết, đồng thời phải có cán bộ y tế đủ trình độ để sử dụng các trang thiết bị này. Tuy nhiên, nhiều TYT vẫn chưa đạt yêu cầu. Đó là chưa kể hiện toàn bộ trụ sở làm việc của các TYT xã, phường đã xuống cấp cần được tu sửa. Trong đó, nhiều trạm cần được mở rộng để đủ số lượng phòng theo quy định. Thậm chí TYT của một số xã chưa có trụ sở làm việc…

Cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp

Trên cơ sở đánh giá, phân tích những khó khăn, vướng mắc, đồng thời để củng cố, phát triển mạng lưới y tế sơ sở, vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2014-2020”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2015 có 70% và đến năm 2020 có 90% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

Nhiều giải pháp, chỉ tiêu quan trọng được đề ra trong đề án. Đối với vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trước mắt, trong giai đoạn 2014-2015, tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư xây mới, trang bị cơ sở vật chất trang thiết bị y tế cho 2 TYT xã Thành Hải, Văn Hải (Phan Rang- Tháp Chàm); nâng cấp, xây thêm phòng cho 4 TYT các xã Phước Nam (Thuận Nam), Phước Vinh (Ninh Phước), Hòa Sơn, Nhơn Sơn (Ninh Sơn); đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí gần 11,5 tỷ đồng. Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các TYT, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường đào tạo y, bác sĩ y học cổ truyền, luân phiên bác sĩ về làm việc tại các TYT, bảo đảm đến năm 2015 có 70% TYT có bác sĩ đến làm việc 3 ngày/tuần… Riêng với các tiêu chí: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; DS/KHHGĐ; vệ sinh môi trường - đây được xem là bài toán nan giải vì yêu cầu của các tiêu chí đặt ra cao hơn nhiều so với mức đạt được thời điểm hiện tại của nhiều địa phương, nhất là đối với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng chí Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, sở đã chỉ đạo ngành Y tế các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương, căn cứ vào bảng điểm của Bộ tiêu chí mới, tiến hành rà soát, đánh giá tình hình, xác định lại những tiêu chí còn thiếu, còn yếu để có giải pháp khắc phục, đề ra chỉ tiêu cho từng năm để thực hiện. Kết quả, trong 9 tháng năm 2014, toàn tỉnh có thêm 2 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, nâng số xã đạt chuẩn lên 17 xã. Phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có thêm 14 xã nữa đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 31 xã.

Như vậy, nếu đến cuối năm, ngành Y tế đạt được mục tiêu đề ra, thì riêng trong năm 2015, cần có thêm 15 xã đạt chuẩn để hoàn thành mục tiêu “ngắn hạn” xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế của tỉnh. Kế hoạch, giải pháp đã được vạch sẵn, vấn đề quan trọng là các ngành, các địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp để hoàn thành mục tiêu đề ra để từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.