Thế giới tuần qua

1. Tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Mỹ, ông Jim Yong Kim-Chủ tịch WB cho biết: “Cuộc khủng hoảng do dịch Ebola gây ra có thể tác động rất lớn. Đánh giá về tác động kinh tế cho thấy, nếu dịch Ebola ở Tây Phi không được kiểm soát và lây lan sang các nước láng giềng, đến cuối năm 2015 khu vực này sẽ phải chịu thiệt hại về tài chính lên đến 32,6 triệu USD. Và đó sẽ là thảm họa đối với người dân khu vực Tây Phi”. WB cam kết sẽ hỗ trợ 400 triệu USD cho Chiến dịch chống đại dịch Ebola. Theo thống kê được WHO đưa ra ngày 8-10, dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của 3.879 người trong tổng số 8.033 người bị nhiễm bệnh. Dịch Ebola sẽ bùng phát ở cấp độ nghiêm trọng và trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu nếu các nước trên thế giới không nhanh chóng xây dựng các trung tâm điều trị. Số ca nhiễm Ebola ngày càng tăng theo cấp số nhân. Cứ 3-4 tuần, số ca nhiễm lại tăng gấp đôi. Trường hợp tử vong của bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm Ebola tại Mỹ Thomas Duncan sáng 8-10, cho thấy sự nguy hiểm của Ebola ở cấp độ 4-cấp độ dành cho các dịch bệnh chết người hiện vẫn chưa có thuốc chữa hoặc các biện pháp điều trị thích hợp. Mối đe dọa từ virus Ebola đang ngày càng gia tăng với các nước phương Tây. Trong các nước châu Âu, Anh và Pháp là những nước dễ bị tấn công nhất, do có nhiều người trở về từ “ổ dịch” ở các nước Tây Phi.

2. Trong khi đó, IMF cũng cảnh báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng đáng thất vọng và 6 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bức tranh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều mảng tối. IMF cho rằng, những chính sách không thống nhất và thiếu minh bạch thông tin sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền cho các nước trên thế giới vốn đang hưởng lợi từ các chính sách tiền tệ. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde (C.La-gác-đơ) dẫn chứng, có nhiều điểm mập mờ chung quanh chính sách tiền tệ của các nước phát triển, trong đó có việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) từng bước thu hẹp góc cứu trợ thứ 3.

IMF kêu gọi chính phủ các nước có những cải cách thiết yếu nhằm nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và thúc đẩy thị trường lao động; đồng thời thực thi các biện pháp cứng rắn hơn và tăng cường nỗ lực đa phương tiếp sức cho kinh tế thế giới. Dự báo kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2015 với sự phát triển không đồng đều giữa các nước, trong đó các nước thuộc khu vực đồng Euro tăng trưởng yếu nhất.

3. An ninh thế giới cũng đặt trong tình trạng nguy hiểm cao khi các mạng lưới khủng bố đang ngày càng mở rộng lực lượng “chân rết” của mình. Sự mở rộng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thật sự trở thành “nỗi lo không của riêng ai”. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhóm họp với các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ để thảo luận về sứ mệnh quân sự nhằm đánh bại lực lượng IS tại Syria (Xi-ri) và Iraq (I-rắc). Trong một nỗ lực nhằm bảo vệ thị trấn chiến lược Kobani (Cô-ba-ni) của Syria giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ khỏi rơi vào tay IS, hôm 8-10, quân đội Mỹ đã tiến hành 8 đợt không kích vào các mục tiêu của IS tại Kobani. Tuy nhiên, người phát ngôn Lầu Năm góc thừa nhận, chỉ thực hiện các cuộc không kích sẽ không đủ để cứu thị trấn này. Cùng lúc, FBI cũng ra lời kêu gọi cộng đồng hỗ trợ xác định các cá nhân mang quốc tịch Mỹ có ý định ra nước ngoài để tham gia các nhóm phiến quân. Tuyên bố của FBI đưa ra trong bối cảnh nhiều công dân các nước phương Tây đang tham chiến hoặc có liên quan tới lực lượng IS ở Trung Đông và có thể trở thành mối đe dọa an ninh trực tiếp tới các nước phương Tây.

Australia (Ố-xtrây-li-a) cũng đang mở rộng cuộc chiến chống khủng bố và đã chặn giữ 11 đối tượng tình nghi khủng bố trong chưa đầy một tháng qua. Và nâng mức báo động từ trung bình lên cao do lo ngại về khả năng các đối tượng người Australia tham chiến hoặc hỗ trợ cho lực lượng IS gây ra đe dọa về an ninh sau khi trở về nước.